Nhiều chuyên gia cho rằng chủ trương khen thưởng các cặp vợ chồng sinh hai con một bề là gái có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh Việt Nam mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng.
|
Ảnh minh họa, nguồn: 123rf. |
Đừng cảm thấy xấu hổ khi được khen thưởng
Mới đây, tỉnh Hậu Giang công bố triển khai hỗ trợ thực hiện chính sách dân số. Theo đó, tỉnh này sẽ tặng bằng khen, biểu dương những cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái.
Vấn đề này đang gây tranh cãi dư luận. Nhiều người băn khoăn liệu chính sách này có gián tiếp vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới?
Tỉnh Hậu Giang sẽ khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; những cặp cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu. |
Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số Gia đình và Trẻ em cho rằng, thoạt nghe, nhiều người sẽ nghĩ chính sách này gây bất bình đẳng giới tính, tuy nhiên, nhìn sâu hơn, điều đó lại hướng đến sự bình đẳng.
"Mục tiêu của việc khen thưởng ở tỉnh Hậu Giang là tốt, nên nhìn nhận theo hướng tích cực, thay vì chỉ trích. Tôi nghĩ rằng, không có gì đáng xấu hổ khi được khen thưởng sinh con một bề là gái cả" - ông Cử nói.
Song, theo GS.TS Đình Cử, tỉnh Hậu Giang vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn.
Tổng cục thống kê công bố số liệu 2009 cho thấy, tỉ lệ khi sinh ở Hậu Giang ở mức cân bằng tự nhiên, khoảng 107 bé trai/ 100 bé gái. Vào năm 2016, tỉ lệ này khảo sát ở toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long là chưa đến 104 bé trai/100 bé gái.
Như vậy, với tình hình thực tế ở Hậu Giang chưa cần thiết phải sử dụng những biện pháp khen thưởng nhắm đến gia đình sinh con một bề là gái.
|
GS.TS Nguyễn Đình Cử |
"Chính sách này nên áp dụng ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, khu vực đồng bằng sông Hồng. Những tỉnh thành này có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng hơn, khoảng 118, 120 bé trai/100 bé gái", Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số Gia đình và Trẻ em nói.
Chính sách của tỉnh Hậu Giang còn nêu rõ tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho gia đình sinh đủ hai con một bề là gái, mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạm chính sách dân số kể từ khi sinh con gái thứ hai. Bên cạnh đó, tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho gia đình sinh đủ hai con một bề là gái. |
GS.TS Nguyễn Đình Cử chia sẻ thêm, ở Hậu Giang nên khen thưởng cả cháu trai, cháu gái - nếu như các cháu có thành tích đặc biệt, hoặc bố mẹ sinh con một bề nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Đồng quan điểm, ông Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, do phong tục tập quán, tư tưởng có con trai nối dõi tông đường vẫn còn ở một số địa phương.
Có tình trạng nhiều cặp vợ chồng chọn giới tính thai nhi, dẫn đến vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nếu không có biện pháp kịp thời khoảng năm 2045 - 2050 sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu đàn ông không có vợ. Chuyện xuất khẩu cô dâu là khó tránh khỏi. Chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ Hàn Quốc, của Đài Loan.
"Vì thế, dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay, nếu Hậu Giang đi tắt đón đầu, có chủ trương động viên gia đình sinh con một bề là gái hoàn toàn hợp lý" - ông Phương nhận định.
Còn nhiều e ngại
|
Ông Mai Xuân Phương Ảnh: giadinh.net |
Bên cạnh những quan điểm đồng tình, cũng còn ý kiến e ngại hình thức tặng bằng khen cho vợ chồng sinh đủ con gái một bề là phô trương, thái quá.
Ông Mai Xuân Phương phân tích, văn hóa mỗi vùng mỗi khác, người Tây Nam Bộ - họ không nặng nề khi được trao tặng bằng khen. Ngược lại, việc khen thưởng động viên kịp thời, đúng mức sẽ làm giảm sự mất cân bằng giới tính.
"Tôi cho rằng, phòng hơn chống. Hậu Giang đang góp phần gióng một hồi chuông về vấn nạn mất cân bằng giới tính hiện nay" - ông Xuân Phương nói.