Hiện nay, việc sinh con thứ ba không còn bị xử phạt về hành chính như trước đây nữa.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Luật Minh Khuê. |
Bạn đọc có địa chỉ email [email protected] gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật Plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Tôi ở nhà làm nông, không tham gia vào Đảng. Năm nay tôi vừa sinh con thứ ba, khi đi đăng ký giấy khai sinh cho con thì UBND xã đã bắt đóng phạt thì mới làm được giấy khai sinh cho con. Tôi muốn hỏi như vậy đúng với quy định của pháp luật không?”
Tòa soạn Pháp luật Plus cùng các Văn phòng luật xin trả lời câu hỏi:
Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau:
Điều 1. Sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003 như sau:
“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:
1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản”.
Tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định một số trường hợp đặc biệt không vi phạm quy định việc sinh một hoặc hai con như sau:
“Điều 2. Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.”
Trước đây, khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em có quy định về việc xử lý kỷ luật trong trường hợp sinh con thứ ba.
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
2. Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.”
Tuy nhiên, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực kể từ 31/12/2013 thay thế cho Nghị định 114/2006/NĐ-CP không còn đề cập đến việc xử lý việc sinh con thứ ba nữa.
Như vậy, việc sinh con thứ ba không còn bị xử phạt về hành chính như trước đây nữa. Do đó, việc cán bộ hộ tịch bắt chị nộp phạt hành chính là không có căn cứ pháp lý.