Dự án Luật Dân số (do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo) đang được đề xuất vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. Điều đáng chú ý trong Dự án Luật này là đề xuất các cặp vợ chồng sẽ có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nghĩa là quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã được “nới” và dành quyền tự quyết cho mỗi cặp vợ chồng.
Bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020
Theo tính toán của Bộ Y tế, số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong 20 năm tới, từ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi vào năm 2010 lên 6 người dân có 1 người cao tuổi vào năm 2029.
Theo đó, trong 18 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang dân số già. Trong khi đó, hiện người dân chỉ thực hiện quy mô gia đình có 1 - 2 con theo các quy định hiện hành. Nhưng tính trên bình diện chung mỗi cặp vợ chồng có 2 con thì vẫn còn sự khác biệt giữa các vùng, miền.
Các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, phía Tây của các tỉnh miền Trung thì tỷ suất sinh còn cao, trung bình có tới trên 3 con và số sinh con thứ ba khá lớn. Đối với những nơi ấy vẫn phải tiếp tục giảm sinh để nhanh chóng giảm xuống mỗi cặp vợ chồng có 2 con.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2-2,1 con. Tuy mức tăng quy mô dân số đã được cải thiện (tăng khoảng 1,5 triệu người/năm giảm xuống trên 900 ngàn người/năm) nhưng là nước có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á. |
Trong thời gian tới, mức sinh còn biến động khó lường: hoặc là mức sinh tăng trở lại, hoặc là mức sinh tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải và hoặc là mức sinh được duy trì ở mức thấp hợp lý nếu có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả.
Vấn đề đặt ra là để duy trì được mức sinh thấp hợp lý trong tương lai thì nhất thiết phải sử dụng đồng bộ các biện pháp điều chỉnh mức sinh bao gồm tuyên truyền, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, pháp luật và hành chính; nhưng mức độ thực hiện mỗi biện pháp tùy thuộc vào việc sử dụng biện pháp pháp luật khi quy định cụ thể số con của mỗi cặp vợ chồng hoặc quy định rõ quyền quyết định tự nguyện và có trách nhiệm, bình đẳng về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh.
Do đó, cần duy trì mức sinh thấp hợp lý (TFR khoảng 1,9 con/phụ nữ trong giai đoạn 2011-2020 và sau đó tăng TFR lên khoảng 2,1 con/phụ nữ từ sau năm 2020) để quy mô dân số ổn định ở mức 115-120 triệu người vào năm 2050 (theo dự báo của Liên Hợp quốc) nhằm bảo đảm các lợi thế của dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, trong tờ trình về Dự án Luật Dân số, Dự án Luật này nhắm đến mục tiêu duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI.
Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con theo quy định của Nhà nước về mức sinh thay thế, mục tiêu cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình của địa phương. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con.
Bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Cho quyết định số con cũng không hào hứng sinh nhiều
Đối với quy định quy định về số con nhằm xác lập quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Bộ Y tế lựa chọn phương án 1 quy định quyền sinh sản vì việc khắc phục nhược điểm sẽ thuận lợi hơn so với phương án quy định cụ thể về số con. Kết quả thu thập ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động của chính sách khi soạn thảo Dự án Luật Dân số cho thấy, có một tỷ lệ lớn nhất cán bộ đánh giá tác động tích cực của việc quy định quyền tự quyết định số con cho các cặp vợ chồng (58,4% số người được hỏi).
Trong đó 11,8% cho rằng mức sinh vẫn tiếp tục giảm theo xu hướng đã được thiết lập hơn chục năm nay; 46,6% cho rằng do vấn đề tâm lý, do tác động của một bộ phận nhỏ người dân, nhất là những người sinh con 1 bề, những người có điều kiện kinh tế khá giả... thì thời gian đầu, mức sinh có thể tăng nhẹ, nhưng chỉ sau 1 đến 2 năm, nó sẽ quay trở về quỹ đạo đã được xác lập.
Lý giải về vấn đề này, phần lớn cán bộ được hỏi cho rằng, hiện nay do trình độ dân trí, trình độ nhận thức của người dân đã được nâng lên, cùng với kết quả của trên 50 năm kiên trì tuyên truyền, vận động của hệ thống bộ máy DS-KHHGĐ trên toàn quốc, nhìn chung người dân đã nhận thức được những tác động tiêu cực của việc sinh nhiều con. Thậm chí, có ý kiến còn lo ngại là đã đến thời kỳ vận động thanh niên sinh nhiều khó hơn sinh ít.
Do không chịu tác động bởi áp lực thành tích, đồng thời trình độ nhận thức của người dân đã tăng khá cao sau hơn 50 năm được tuyên truyền vận động, nên có đến gần ¾ số người dân được hỏi cho rằng nếu để người dân tự quyết định số con được sinh, thì phần lớn người dân cũng không hào hứng với việc sinh nhiều: có đến 71,9% số người dân được hỏi cho rằng, nếu quy định quyền tự quyết định số con cho người dân, thì phần lớn các cặp vợ chồng chắc chắn không sinh quá 2 con; 82% trả lời là bản thân họ sẽ không sinh quá 2 con và chỉ có 18,1% nói rằng họ sẽ sinh 3 con trở lên trong trường hợp này.
Song các chuyên gia vẫn cảnh báo, nếu để quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng thì sẽ khó kiểm soát được mức sinh, khó cho việc tuyên truyền và để kiểm soát được mức sinh thì phải chi phí tốn kém cho việc tuyên truyền, vận động và chi phí hỗ trợ cho người thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó không có căn cứ pháp lý, không có chế tài xử lý người vi phạm sinh nhiều con và làm giảm hiệu lực của pháp luật. Thậm chí có thể làm tăng mức sinh trở lại vì các nguyên nhân làm tăng mức sinh vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện một nước chưa phát triển, tỷ lệ dân số nông thôn còn cao, chiếm tới gần 70%.
Việc sử dụng biện pháp pháp luật để quy định quyền, nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc điều chỉnh mức sinh, trong đó có thực hiện kế hoạch hóa gia đình là cần thiết vì nó có ý nghĩa trong việc giáo dục pháp luật và bảo đảm cho cho các cặp vợ chồng, cá nhân quyết định có trách nhiệm một cách đúng đắn; đồng thời nó có tác dụng trong việc sửa đổi, thay thế, bãi bỏ các quy định trước đó.
Nhóm nghiên cứu để đánh giá tác động của Dự án Luật Dân số thấy rằng, đây là thời điểm thích hợp để quy định quyền tự quyết định số con cho các cá nhân, cặp vợ chồng cho phù hợp với thực trạng và xu hướng vận động của mức sinh trong tương lai, với điều kiện phát triển của đất nước, trình độ nhận thức của người dân, với môi trường pháp luật hiện tại và phù hợp với các công ước, điều ước, cam kết quốc tế của nước ta hiện nay.
Theo phân tích nêu trên, lựa chọn việc không quy định cụ thể về số con là phù hợp với thời điểm hiện tại và có nhiều tác động tích cực hơn. Tuy nhiên, cần thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành Luật Dân số để tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, để tuyên truyền tư tưởng sinh nhiều con.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng: một số nước chậm ban hành biện pháp chính sách nới lỏng chính sách giảm sinh khi mức sinh đang tiệm cận mức sinh thay thế, đã làm cho mức sinh tiếp tục giảm nhanh xuống mức rất thấp; một số nước ban hành biện pháp nới lỏng chính sách giảm sinh khi đạt hoặc sau khi đạt mức sinh thay thế thì mức sinh chỉ tăng thêm chút ít và chỉ tăng trong vài năm, sau đó lại tiếp tục giảm; một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù chi phí rất lớn, nhưng hầu như không có tác dụng làm mức sinh tăng trở lại lên mức 1,8 con/phụ nữ, chứ chưa nói trở lại mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). |