Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 10/2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.
Trong 3 quý năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong.
Để kiểm soát và hạn chế ngộ độc thực phẩm, các địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm bán trên thị trường, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội xuân năm 2025, UBND TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. |
UBND TP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. Đối tượng kiểm tra bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chợ đầu mối; siêu thị; trung tâm thương mại; cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
Đặc biệt, chú trọng vào các mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết như: thịt, sản phẩm từ thịt, rượu bia, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm...
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng.
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn. |
Theo đó, chi cục ghi nhận có 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hơn 16% cơ sở có vi phạm. Những cơ sở vi phạm đã được lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó có 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; những trường hợp không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt theo quy định.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn sẽ kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, phổ biến các quy định pháp luật và kiến thức về lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm, giúp người dân tiêu dùng an toàn.
Nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của các cấp, các ngành từ TP đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Qua đó, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.