Sau 19 tháng khởi công xây dựng, Công ty cồ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) đã chính thức khánh thành và đưa nhà ga quốc tế Cam Ranh đẳng cấp 4 sao vào hoạt động.
Đây là nhà ga được đầu tư theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Việc khai trương nhà ga này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu giải quyết việc quá tải trầm trọng tại nhà ga T1 sân bay quốc tế Cam Ranh, đồng thời góp phần vào việc kết nối tỉnh khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực du lịch đầu tư và kinh tế của tỉnh Khánh Hoà - một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Nhà ga quốc tế Cam Ranh có kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng từ Tổ chim yến, một sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa. Ý tưởng thiết kế được thể hiện rõ nét qua hình khối nhà ga và hình dáng dợn sóng của mái nhà. Không chỉ thể hiện biểu tượng của địa phương, mái nhà với thiết kế vươn rộng, phần lấy sáng đặt tại đỉnh mái còn giải quyết vấn đề thích nghi với điều kiện khí hậu ven biển, và là điểm nhấn lấy sáng cũng như tạo hình khối nghệ thuật vào ban đêm.
Với tổng diện tích sử dụng 50.500 mét vuông, nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được trang bị các hệ thống an ninh, soi chiếu, hệ thống kiểm soát, phòng cháy chữa cháy và tiện ích trợ giúp khách hàng hiện đại, đạt tiêu chuẩn 4 sao được nhập khẩu từ các nhà cung cấp chuyên dụng, trang thiết bị cho hàng không từ Đức, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha.
Dự kiến, nhà ga sẽ đón tiếp 2,4 triệu đến 4,8 triệu lượt hành khách quốc tế vào cuối năm 2018; và sau khi tiến hành giai đoạn 1B lắp đặt bổ sung thiết bị đầy đủ trong nửa cuối năm nay 2018, nhà ga sẽ đạt công suất phục vụ 6-8 triệu khách/năm.
Điều đặc biệt là nhà ga được đầu tư và áp dụng nhiều máy móc, công nghệ thông minh trong việc điều hành quản lý sân bay không hề thua kém các sân bay hàng đầu trên thế giới. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị CRTC cho biết, ông muốn sân bay này sẽ là ấn tượng đầu tiên và lưu giữ những ký ức tốt đẹp về Cam Ranh, Nha Trang của khách tham quan từ mọi miền đất nước và trên thế giới khi đặt chân đến nơi đây.
|
|
Chính vì thế, CRTC đã mạnh dạn và quyết tâm đầu tư, tìm kiếm những nhóm chuyên gia giỏi khắp nơi trên thế giới, với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng hàng không để thực hiện ước mơ này. Sau 19 tháng thi công với nhiều thách thức của một dự án siêu tốc tại một khu vực xa khu dân cư, ngân sách giới hạn cho nhà ga 3 sao nhưng thực tế chúng tôi đã làm nhà ga 4 sao, phải xây dựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong đó có cả siêu bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào miền Nam Việt Nam trong hơn 16 năm qua. “Tất cả chúng tôi: HĐQT, BQL dự án, nhà thầu đều làm việc hết công sức với mục tiêu được đặt lên hàng đầu: An toàn, Liêm chính, Chất lượng, và Đúng tiến độ và Ngân sách được duyệt. Và nay sau 19 tháng miệt mài lao động, chúng tôi tự hào đã cho ra đời một công trình hiện đại, ấn tượng.”- Ông Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẽ.
Được biết, Chủ đầu tư của Nhà ga quốc tế Cam Ranh gồm: Công ty cồ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) được thành lập theo Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014, CRTC là công ty cổ phần, gồm các thành viên góp vốn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP Giao nhận hàng hóa Nasco, Công ty CP Hàng không Vietjet, Công ty CP Việt Xuân Mới; Và trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP).
Với kinh nghiệm hơn 30 năm hợp tác kinh doanh hàng không, cửa hàng miễn thuế, nhà hàng thức ăn nhanh và các điểm dịch vụ bán lẻ tại nhiều sân bay của Viêt Nam và châu Á, việc đầu tư vào mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh của công ty Liên Thái Bình Dương được xem là một bước đi chiến lược, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không đang tăng lên rất nhanh trong cả nước,góp phần vào sự phát triển của ngành hàng không tại Việt Nam, phù hợp với chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ về việc xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Nhà ga quốc tế Cam RanhTổng vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng, với công suất khai thác giai đoạn 1a là 2,5-4,5 triệu hành khách/năm, sau khi lắp đặt thiết bị giai đoạn 1b, công suất sẽ nâng lên 6-8 triệu hành khách/năm. Thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao của SKYTRAX - Hệ thống đánh giá chuyên nghiệp, uy tín thế giới trong lĩnh vực hàng không. Tổng diện tích sàn xây dựng đạt 50.500m2 và 100.000m2 bên ngoài tòa nhà bao gồm diện tích sân đỗ ô tô và cảnh quan nghệ thuật, cây xanh, sân vườn. Trang bị công nghệ quản lý vận hành bên trong Nhà ga hiện đại, thông minh, tiên tiến từ các Nhà cung cấp thiết bị, giải pháp quản lý hàng không chuyên dụng hàng đầu tại Mỹ, Thụy Sĩ, Đức Tây Ban Nha... |