Hoàn cảnh éo le
Người đàn ông mà tôi muốn nhắc đến là ông Lại Văn Thắng (SN 1963), nay là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang).
Ông luôn được người dân ở đây tôn trọng và lấy làm gương như một người “truyền lửa” cho những hoàn cảnh khó khăn và thanh thiếu niên học tập.
Nói về cuộc đời mình, ông Thắng cho biết ông có 10 anh em trong một gia đình ở thôn Tân Thành, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, ông là người con thứ 6. Tất cả anh em trong gia đình, duy nhất chỉ mình ông khuyết tật, mới sinh ra chân trái ông Thắng đã mắc chứng teo cơ, việc đi lại chồng chất khó khăn, thêm vào đó cơ thể ông không được khỏe như những người bình thường khác.
Ông Thắng bảo, thuở đó ông có rất ít bạn bè, bởi gia cảnh khốn khó, lại thêm khiếm khuyết trên cơ thể nên bạn bè cùng trang lứa thường xa lánh. Người gọi ông là Thắng “què”, kẻ gọi ông là Thắng “thọt”, ông từng chán chường, mặc cảm với cuộc sống.
“Tôi học đến lớp 7, vì bị người đời dè bỉu nên nản lòng không đi học tiếp nữa. Lúc đó mới nghĩ đi chỗ nào xa một chút để thay đổi suy nghĩ. Tôi mới đi Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) ở đó có chị tôi lấy chồng, cũng không ngờ chính chuyến đi này lại là bước ngoặt thay đổi cuộc đời mình”. Ông Thắng chia sẻ về năm tháng tăm tối của đời mình.
23 tuổi, ông Thắng thích nhiều sơn nữ ở quê mình, nhưng đổi lại họ không thích ông bởi khuyết tật, gia cảnh lại nghèo khó. Chuyến đi định mệnh ở Vĩnh Phúc ấy đã giúp ông quen được người con gái nết na Trần Thị Quý. Tại đây hai người đã nảy sinh tình cảm, nhưng để đến được với nhau cả hai cũng gặp không ít trắc trở.
Bà Trần Thị Quý (SN 1965, vợ ông Thắng) kể quê bà ở Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), lúc đó xuống huyện Phúc Yên buôn bán Sắn. Từ đó quen và yêu ông Thắng, tuy nhiên khi nhắc đến mối tình này với gia đình, bà Quý bị gia đình phản đối kịch liệt.
“Mặc dù bị phản đối, nhưng lúc đó vì tình yêu tôi nhất quyết đi theo anh Thắng. Sau này, cả hai phải nỗ lực rất nhiều và cho đến giờ, tôi vẫn không hối hận vì lựa chọn của mình”. Bà Quý tâm sự.
Phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người thường
Theo ông Thắng, nếu người khỏe mạnh bình thường phải cố gắng một thì bản thân ông phải cố gắng gấp mười lần mới bằng được họ. Lúc đầu mới lập gia đình, vợ chồng ông về ở chung với bố mẹ, nhưng sau đó ra ở riêng, lúc này gia cảnh đặc biệt khó khăn, một bên chân phải đeo nẹp để hỗ trợ đi lại, còn tay vẫn khỏe thì vẫn phải cố gắng kiếm kế sinh nhai.
Ông Thắng cho biết, buổi đó hàng ngày ông thường lên đồi phát rừng làm nương trồng lúa, còn vợ ông đi mót sỉ vàng cho một mỏ vàng ở gần nhà để đong gạo nấu mang lên đồi cho ông Thắng. Cứ thế, cả hai cùng nỗ lực trồng chè, trồng cam với mong muốn cuộc sống sẽ được cải thiện.
Nuôi dưỡng tinh thần vượt khó phi thường, đến nay hai đứa con của ông Thắng một trai một gái đều đã thành đạt, năm 2015 gia đình ông Thắng đã tự xây dựng biệt thự nhà vườn khang trang. Hiện ông cũng sở hữu một xưởng chè có quy mô cả ngàn m2, hơn 3ha diện tích trồng chè và hơn 1ha diện tích trồng cam.
Theo ông Thắng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua có ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình, nhưng nhờ kịp thời bắt nhịp được xu hướng làm chè hiện đại, công việc sản xuất của gia đình đến nay cơ bản ổn định.
Không chỉ thành công vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, với cộng đồng ông Thắng còn là tấm gương điển hình trong công tác xã hội. Năm 2005, ông Thắng bắt đầu tham gia Hội Người tàn tật, đến năm 2007 được bầu làm Phó Chi Hội của hội này. Năm 2012, ông giữ chức vụ là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Bắc Quang. Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng nói chung và với người khuyết tật nói riêng, trong những năm qua ông Thắng nhận được nhiều bằng khen của cấp tỉnh, huyện.
Đặc biệt, năm 2010, ông Thắng được Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập và lao động.
Nhận xét về ông Thắng, ông Vi Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Bắc Quang cho biết: “Anh Thắng là người nhiệt tình, tâm huyết với thành viên hội có hoàn cảnh khó. Đồng thời, anh là một tấm gương sáng để anh em noi theo trong phát triển kinh tế, là động lực định hướng hội và những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là để thanh thiếu niên học tập. Bởi, anh có xuất phát điểm từ một người có hoàn cảnh bi đát đi lên”.