Mới đây nhất, một học sinh lớp 12 bị đuổi học do trót “nói xấu” cô trên mạng xã hội... Dường như đã có một sự “vênh” nhau trong cái nhìn của thầy và trò. Cùng với đó, những quy định về kỉ luật trong nhà trường đã hiện hành gần 30 năm (năm 1988) liệu có lỗi thời?
Bêu tên, phê bình tới... sang chấn tâm lý
Mới đây, bà Vũ Thị Hà Phương, phụ huynh của Q., nữ sinh lớp 12A6 Trường THPT Lê Lợi, Q.Hà Đông, Hà Nội vừa có đơn kiện Ban giám hiệu trường này lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với lý do “làm nhục học sinh”. Trước đó, trường đã quyết định đình chỉ học đối với Q. 10 ngày vì tội “xúc phạm giáo viên trên Facebook”.
|
Ảnh minh họa |
Bà Phương cho biết: “Cái mà nhà trường cho rằng con tôi “xúc phạm” giáo viên chỉ là chia sẻ của cháu trên trang cá nhân (để chế độ bạn bè, không công khai) rằng: Thật chẳng hiểu nổi tại sao lại bị đối xử như vậy? Tại sao không nói thẳng ra rằng vì không đi học thêm nên dù có trả lời đúng tôi vẫn không cho điểm... Thực sự mình không muốn vì một người như vậy mà phá hủy đi niềm yêu thích của bản thân về bộ môn văn”.
Thế rồi, sau sự việc này, Q. đã phải nhập viện điều trị vì sốc tâm lý. Không chỉ con bà mà một học sinh khác viết bình luận tỏ ra hưởng ứng dòng trạng thái chia sẻ của Q. cũng bị nhà trường kỷ luật, bắt đứng dưới cờ vào buổi chào cờ thứ hai, để bêu tên, phê bình.
Trước việc bêu xấu trò trước toàn trường, PGS Văn Như Cương cho rằng, học sinh mắc lỗi phải có sự nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo (tùy mức độ vi phạm) để giáo dục các em, không nhất thiết phải nêu tên hoặc yêu cầu học sinh đứng trước toàn trường mà cảnh cáo trong tiết chào cờ. Chẳng hạn, thay vì hình thức này, trường sẽ phát thông báo đến từng lớp để thầy cô thông báo lại cho các em. Như thế vẫn đạt hiệu quả phê bình học sinh hư và răn đe các em khác.
“Không phải là siêu nhân điểm số nhưng là người tử tế”
Ở góc độ khác, suốt một thời gian dài, giáo dục của chúng ta đã mải dạy chữ mà quên dạy người. Điểm số học sinh luôn cao, tỷ lệ tốt nghiệp cũng vậy. Và thêm một quy định tréo ngoe, đó là học sinh yếu kém thì không bao giờ có hạnh kiểm khá, tốt. Trong khi đó, có rất nhiều em học không giỏi nhưng các em lại giỏi thể thao, ca hát, năng nổ trong các hoạt động tập thể, thiện nguyện. Các em không giỏi kiến thức, nhưng không có nghĩa là các em hư hỏng, hỗn láo và bỏ đi.
Thậm chí, ngay như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nơi tiếp nhận học sinh hạnh kiểm và học lực yếu, kém. Thế nhưng, gần 30 năm qua, học trò đều đã trưởng thành bởi chính những thầy cô tận tụy ở đây luôn biết tôn trọng sự khác biệt đặc thù của học sinh mình. TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) và cũng là người thầy mở ra ngôi trường này, bày tỏ, ông mở trường với tiêu chí- giáo dục là phải nhân văn, mỗi con người đều có những giá trị như nhau, không có học sinh kém, chỉ có các nhà giáo không có khả năng sư phạm. Ông quan niệm, trong nhà trường, giáo dục nhân cách của thầy và trò là điều quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách, chứ không phải điểm số. Không phải cứ tỉ lệ đỗ cao, điểm cao nhưng thực hiện “bằng mọi cách” là thành công. Không phải cứ điểm cao thì mới nên người, điểm cao, thi đỗ, nhưng bằng cách nào? Có phải là sự gian dối, đánh đổi hay không? “Tôi tin nếu học sinh có nhân cách, các em sẽ sống tử tế được, sẽ thành công trong cuộc đời”. Giáo dục là cả quá trình, không phải trong ngày một ngày hai, nhân cách cũng phải rèn giũa lâu dài. Ông mong mỏi mọi người hãy nghĩ khác đi về giáo dục, về thành tích, điểm số và nhân cách, để trẻ có thể phát triển toàn diện, không phải là siêu nhân điểm số nhưng là những người tử tế.
Gần gũi và tôn trọng sự khác biệt
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các trường để điều chỉnh quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh. Theo ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ GD-ĐT), Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh đã có từ năm 1988 nên bộc lộ nhiều bất cập. Thông tư có những chi tiết không còn phù hợp với cuộc sống. Vấn đề khen thưởng, kỷ luật trong nhà trường hiện cũng được lồng ghép trong một số văn bản khác nhau dẫn tới sự lúng túng khi thực hiện ở cơ sở.
Chẳng hạn, ở tuổi “ nổi loạn”, các em thường có tâm lý đám đông, dễ tụ tập, kích động bêu xấu nhau trên mạng xã hội bằng những dòng trạng thái hay đoạn phim quay bằng điện thoại. Không ít học sinh còn rủ nhau sử dụng chất kích thích, gây ảo giác như shisha, keo chó, tem giấy... Và đương nhiên hết thảy những vi phạm này chưa được đề cập đến trong quy định hiện hành.
Thêm nữa, khác với trước đây, mối quan hệ thầy trò được thể hiện bằng uy quyền rất rõ ràng và không thể có hiện tượng “cá mè một lứa”, đối thoại trực diện với thầy. Thì ngày nay, trong cách dạy học mới, trò được quyền phản biện thầy và sự khác biệt được tôn trọng. Và ngày nay, những hình ảnh thầy cô trẻ cũng khá hiện đại và là thần tượng của nhiều thế hệ học trò.
Chẳng hạn, như nếu học trò ở tuổi “nổi loạn” có nhiều vẻ ngoài khác biệt thì nhiều thầy cô trẻ cũng là những thầy cô với tên gọi dễ thương “hot boy, hot gril” và họ vẫn được quý trọng bởi sự năng động và kiến thức của mình. Miễn sao những phong cách ứng xử, thời trang... không làm thầy sao nhãng việc làm thầy, không làm phân tâm người thầy trong việc dạy học. Có nghĩa là khi đi dạy, trên hết cả vẫn là thầy dạy sao để chuyển tải kiến thức cho trò tốt nhất, còn trò học sao để mau tiến bộ và hiểu biết nhất mà thôi!...
Thế nên, khi thầy trò cùng tôn trọng nhau, và dù trò có phạm sai lầm, nhưng khi các em được dạy dỗ (chứ không phải hạ nhục) đúng hướng thì thời gian sẽ giúp các em vượt qua những nhất thời của những dại khờ, nông nổi... Bởi khi các em được tôn trọng, các em sẽ tự tin, vững vàng để bước vào cuộc đời rộng lớn...