Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu các tuyên bố bảo lưu của Việt Nam khi ký kết, phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và khả năng điều chỉnh nhằm nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC của Việt Nam, do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức chiều 25/4.
Trình bày dự thảo Báo cáo nghiên cứu các tuyên bố bảo lưu khi ký kết, phê chuẩn UNCAC và khả năng điều chỉnh nhằm nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC của Việt Nam tại Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, ngày 10/12/2003, Việt Nam đã ký Công ước UNCAC.
Việt Nam bảo lưu 4 điều khoản khi ký Công ước, bao gồm Điều 20 Làm giàu bất hợp pháp, Điều 26 Trách nhiệm của pháp nhân, Điều 44 Dẫn độ và khoản 2 Điều 66 Giải quyết tranh chấp, với lý do quy định tại Điều 20, 26, 44 và khoản 2 Điều 66 chưa phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chưa bảo đảm được các trình tự, thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến các điều khoản bảo lưu.
|
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng không qua kết tội phù hợp với pháp luật Việt Nam. (Ảnh minh họa: TP) |
Từ phân tích kinh nghiệm quốc tế khi bảo lưu, trong đó, liên quan đến Điều 20, TS. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng cần hoàn thiện các pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng không qua kết tội phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua.
Cùng với đó, các đại biểu cũng góp ý để hoàn thiện báo cáo, tập trung vào những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần phải điều chỉnh để nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC, lộ trình để Việt Nam thực hiện rút bảo lưu, những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần điều chỉnh để có thể rút bảo lưu…
Bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, kể từ khi phê chuẩn Công ước UNCAC, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong công tác PCTN, nổi bật là Việt Nam đã thực hiện những cải cách pháp lý sâu rộng và tăng cường thực thi pháp luật về PCTN nhằm củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào quản trị công.
Bà Stein nêu bật một số cột mốc quan trọng trong quá trình này như việc ban hành Luật PCTN; các Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực; sửa đổi Bộ luật Hình sự và các luật liên quan để xử lý tội phạm tham nhũng hiệu quả hơn; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực…