Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng đang có dấu hiệu chững lại do tác động của kinh tế toàn cầu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cần chạm mốc 454 tỷ USD, đồng nghĩa với việc mỗi tháng phải tăng thêm khoảng 4 tỷ USD so với năm 2024 - một thách thức không nhỏ.
Theo số liệu từ liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,2 tỷ USD (tăng 9,9%), trong khi nhập khẩu đạt 62,9 tỷ USD (tăng 16%), đưa cán cân thương mại thặng dư 235 triệu USD.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc vẫn là rủi ro đáng kể, cùng với đó là những thách thức về tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống logistics và khả năng tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại quốc tế.
 |
Việc hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng và tinh thần đổi mới, thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Ngoài ra, hệ thống logistics chưa đồng bộ khiến chi phí vận chuyển cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ và lẩn tránh thuế quan.
Trong khi đó, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, lưu ý Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc, gây sức ép cạnh tranh lớn cho sản phẩm nội địa.
Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 06/CT-BCT với nhiều giải pháp như đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các FTA, tăng cường chống gian lận xuất xứ và phát triển dịch vụ logistics.
Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất - xuất khẩu phù hợp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm, nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xây dựng chiến lược xuất khẩu bền vững.
Với những bước đi đúng đắn, Việt Nam có thể từng bước chinh phục mục tiêu xuất khẩu 454 tỷ USD trong năm 2025.