Trải qua ngàn đời dưới những biến thiên của lịch sử, hát Xoan vẫn hiện diện, tiềm tàng sức sống mãnh liệt và ẩn chứa những giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Với những đặc trưng về tín ngưỡng, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian mang dấu ấn đặc trưng của vùng Đất Tổ.
Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa dân gian của tỉnh Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương.
Hát Xoan là một thể loại dân ca nghi lễ - tín ngưỡng, phong tục, giao duyên được diễn ra trong lễ hội tại các ngôi đình làng vào mùa xuân hàng năm trên vùng Đất Tổ.
Hát xoan còn được gọi là hát cửa đình (khúc môn đình). Trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn, vì bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Len là len hỡi là len...”, và cũng chính vì vậy mà ngôi miếu ở làng Phù Đức - nơi các phường Xoan gốc đến hát đầu năm trước khi đi hát ở các cửa đình khác gọi là miếu Lãi Lèn.
|
Hát Xoan Phú Thọ được biểu diễn ở chương trình Nghệ thuật dân gian tại Lễ hội Đền Hùng năm 2017. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Thủy - PGĐ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Phú Thọ cho biết: “Ngày 24/11/2013, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Như vậy, hát xoan bước đầu đã được UNESCO đánh giá tốt theo công ước 203”.
Hiện nay, nhiều địa phương đã tự mở các lớp truyền dạy về hát Xoan tại cộng đồng các phường Xoan nhằm duy trì hoạt động của 04 phường Xoan gốc, tổ chức cho các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy đầy đủ 36 làn điệu Xoan cổ cho trên 150 nghệ nhân trẻ kế cận tại các phường.
Để giữ gìn và bảo tồn làn điệu hát Xoan này nên tỉnh Phú Thọ đã thành lập 34 câu lạc bộ hát Xoan tại các xã, phường, cơ quan trường học trong tỉnh.
Mục tiêu mỗi xã có 01 câu lạc bộ, các trường học, đơn vị trong tỉnh đều có đội văn nghệ xây dựng được chương trình Hát Xoan trong kịch mục sinh hoạt và biểu diễn; Các tiết mục hát Xoan do các nghệ nhân của các phường Xoan gốc trực tiếp truyền dạy.
|
Hát Xoan Phú Thọ còn được truyền bá rộng rãi qua các sân chơi để góp phần lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa nghệ thuật. |
Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức nghiên cứu, hội thảo để xây dựng chương trình tập huấn, thực hành cho những người kế tục nghệ nhân hát Xoan.
Đồng thời, mở lớp truyền dạy hát Xoan cho các hạt nhân văn nghệ của câu lạc bộ, các đội văn nghệ và giáo viên dậy âm nhạc trong các trường học phổ thông các cấp; Trung bình từ 2 - 3 lớp ở tỉnh, 2 - 4 lớp ớ mỗi huyện / năm; Mỗi lớp có từ 35 – 50 học viên.
Tại các trường tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học đã đưa hát Xoan vào chương trình học âm nhạc trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của các trường; 100% các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì đã có giáo viên biết trình diễn và dạy hát Xoan.
Tại Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch đã biên soạn giáo trình dạy hát Xoan, đưa hát Xoan thành môn học nghệ thuật bắt buộc đối với học sinh hệ trung cấp.
Hát Xoan được trình diễn với 3 chặng: hát Thờ, hát Quả cách và hát Giao duyên.
Ngày nay, hát Giao duyên của Xoan khiến những người nghệ sĩ như được trải qua hành trình từ "đạo" đến "đời", càng về cuối càng hấp dẫn và háo hức...
Theo Tiến sĩ Lê Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho biết: "Ngay từ khi được UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, chúng tôi đã có mong muốn trong thời gian gần nhất Hát Xoan được chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Cũng theo ông Thủy, “Hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương. Người dân Phú Thọ vẫn quan niệm rằng: được nghe câu hát Xoan sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người trong dịp đầu năm mới. Bởi vậy nên hát Xoan qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống”.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Phương Thích (Chủ nhiệm CLB hát xoan phường Nông Trang – TP Việt Trì) cho biết: “Chúng tôi ăn, ngủ với hát xoan, trong tâm trí giờ chỉ có hát xoan. Loại hình dân gian này đã gắn liền với cuộc sống của chúng tôi, những người con Đất Tổ.
Đối với CLB hát xoan phường Nông Trang, đây là một trong những câu lạc bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ, cũng như đi đầu trong những hoạt động văn nghệ phục vụ lễ hội Đền Hùng và các chương trình kỉ niệm của thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng đến các tỉnh bạn như Thanh Hóa, Thái Bình… để đưa làn điệu hát Xoan đến với quần chúng rộng rãi trên cả nước”, bà Thích cho biết thêm.
Những làn điệu hát xoan được thể hiện những hình ảnh cuộc sống sinh động qua lời hát, điệu múa gần gũi, gắn liền với đời sống người dân Phú Thọ.
Hát xoan giờ đây đã đi vào các tầng lớp, vào đời sống xã hội của người con Đất Tổ.
Qua đó, hát xoan được đánh giá là một trong những làn điệu dân ca cổ nhất của dân gian, là di sản văn hóa quý báu, ngàn năm của lịch sử.