Khi tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ lựa chọn đường Nguyễn Trãi hoặc đường Lê Văn Lương để cấm xe máy hoạt động. Vậy người dân sẽ di chuyển vào nội đô hoặc ngược lại bằng cách nào?
Liên quan đến đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đang lựa chọn tuyến đường thí điểm cấm xe máy. Sở đang cân nhắc giữa tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, khi cấm đường sẽ đảm bảo cho cuộc sống của người dân không bị đảo lộn. Tuy nhiên, Sở này chưa đưa ra phương án cụ thể khi cấm xe máy mà chỉ đưa thông tin chung chung. Vậy khi cấm xe máy, người dân trước nay di chuyển trên hai tuyến đường này vào nội đô hoặc ngược lại sẽ phải di chuyển như thế nào?
Đường Nguyễn Trãi có chiều dài 3,9 km nối từ Ngã Tư Sở đến chợ Phùng Khoang. Đường Nguyễn Trãi là đường 2 chiều, mỗi chiều 5 làn xe và là tuyến đường quan trọng nối liền khu vực Hà Đông, nhu cầu đi lại của người dân ở tuyến đường này là rất lớn.
Nếu cấm xe máy, người dân di chuyển từ Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi bằng xe máy sẽ được thay thế bằng xe buýt hoặc đi tàu trên cao. Thế nhưng, không phải nhà ai cũng sát ga tàu, bến xe. Như vậy, người dân phải đi xe máy ra đến bến rồi gửi xe máy lại. Thế nhưng, xe máy gửi ở đâu khi toàn đường Nguyễn Trãi, bãi gửi xe đếm trên đầu ngón tay?
|
Hà Nội sẽ cấm đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương - người dân sẽ di chuyển như thế nào? |
Khi đến điểm cuối, người dân lấy phương tiện gì di chuyển? Trường hợp điểm cuối gần nơi cần đến, người dân có thể đi bộ, nhưng ở xa trên 500m thì phải chọn phương tiện gì để di chuyển tiếp. Trong khi tuyến đường từ Ngã Tư Sở đi Tây Sơn thường xuyên tắc; đường Láng cũng chẳng khá hơn, còn đường Trường Chính hiện cũng trong tình trạng ùn tắc thường xuyên. Nếu đi xe buýt lúc giờ cao điểm thì cả tiếng cũng chẳng tới nơi, rồi lại tốn thêm chi phí đi xe trung chuyển.
Ở chiều ngược lại, người dân nếu di chuyển từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông cũng chịu cảnh tương tự.
Vậy, người dân có thể lựa chọn chấp nhận di chuyển xa hơn bằng cách đi đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu). Ngoài ra, người dân có thể đi dùng xe máy thông qua các tuyến đường nhỏ để luồn lách, di chuyển. Các tuyến đường như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng vốn đã thường xuyên tắc càng trở nên kẹt cứng. Đó là chưa kể, khu vực này hàng chục tòa nhà cao tầng chuẩn bị bàn giao. Do đó, người dân sẽ phải chấp nhận mất thêm thời gian để di chuyển vào nội đô hoặc ngược lại.
Tương tự, đường Lê Văn Lương bắt đầu từ đầu cầu Hòa Mục (đường Láng Hạ kéo dài) đến đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân). Đường Lê Văn Lương kéo dài nối tiếp từ Khuất Duy Tiến đến vòng xoay Hà Đông. Trước khi cấm xe máy, tuyến đường này thường xuyên tắc do hai bên đường là hàng trăm tòa nhà cao tầng của các khu đô thị. Khi cấm xe máy, người dân từ nội đô ra hoặc ngược lại ũng sẽ gặp rất nhều khó khăn trong di chuyển, gửi xe, xe trung chuyển,...làm tăng chi phí sinh hoạt. Khi cấm xe máy, người dân chỉ có thể đi đường Nguyễn Trãi hoặc đi từ Trần Duy Hưng- BigC- Đại lộ Thăng Long rồi vòng qua khu Thiên đường Bảo Sơn, tốn kém thời gian.
Quyết định cấm xe máy của Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người. Vì vậy, trước khi quyết định, chính quyền cần để người dân bàn bạc, góp ý. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cũng nên tham khảo, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia tâm huyết trước khi quyết định.
Khánh Linh - Theo Phụ nữ Việt Nam