Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giao Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức các hoạt động tháng 9 với chủ đề “Vui Tết Độc lập” từ ngày 01-31/9/2017.
|
Thông tin dịch vụ nhân dịp lễ mồng 2/9. |
Thiết thực chào mừngkỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2017). Đồng thời, nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
Rất đông du khách thập phương có mặt tại làng văn hóa các dân tộc trong ngày nghỉ lễ |
Các hoạt động với sự tham gia khoảng 300 đồng bào các dân tộc, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên của 12 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Chăm, Kinh) của 11 địa phương, với điểm nhấn là tỉnh Hà Giang, Phú Thọ và địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên,Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Sóc Trăng, An Giang), cùng sự tham gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Nhà hát Múa rối Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
|
Chợ vùng cao tại Làng văn hóa |
Điểm nhấn hoạt động tháng 9 là không gian Chợ vùng cao “Đến với Hà Giang - Chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Hà Giang, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc. Chợ tạo sự gần gũi, giữ gìn bản sắc văn hoá và để du khách có thể tham gia trực tiếp và cảm nhận về chợ vùng cao tại không gian Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
Chợ vùng cao tại Làng văn hóa |
Đặc biệt, trong dịp tháng 9, lần đầu tiên tại Làng tái hiện Lễ hội bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ. Đây là một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ của ông cha ta, tinh thần kiên cường bất khuất quyết tâm bảo vệ sự yên bình của quê hương, đất nước, tinh thần rèn luyện không ngừng nghỉ của thủy quân thời xưa. Có thể nói lễ hội bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ mang một giá trị tinh thần lớn lao, được truyền lại từ đời này qua đời khác ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân và du khách thập phương.
|
Chợ vùng cao tại Làng văn hóa |
Chương trình tháng 9 “Vui Tết Độc lập”có nhiều hoạt động như:
Chợ vùng cao “Đến với Hà Giang - Chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn”. Giới thiệu không gian văn hóa đặc trưng không gian chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Hà Giang. Điểm nhấn, là không gian giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Hà Giang: Thắng cố, mèn mén, rượu ngô, rau củ quả, lạp sườn, thịt trâu treo gác bếp, canh vón vé...; các hoạt động giới thiệu nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, nhuộm sáp ong, nấu rượu ngô, giã bánh dày, nấu thắng cố mèn mén...; hoạt động dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: Đánh quay (tu lu), leo cột, đánh pao, đánh yến, đu dây... tạo không khí vui tươi phấn khởi của các dân tộc.
|
Các đội đang tham gia trò chơi kéo co |
Tại đây, còn trưng bày, giới thiệu 60 bức ảnh về cảnh sắc, cuộc sống và con người vùng cao nguyên đá Đồng Văn và đặc biệt là đôi Khèn Mông có kích cỡ lớn nhất Hà Nội (gần 7m/01 chiếc) do nghệ nhân dân tộc Mông của Hà Giang chế tác tại Làng.
Lễ hội truyền thống các dân tộc như: Lễ hội Khèn Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tổ chức Lễ hội khèn Mông nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hoá truyền thống, đồng thời là sân chơi bổ ích mang lại sự thư giãn, niềm vui và hạnh phúc lớn lao cho đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tính nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân trên cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Tái hiện “Lễ vào nhà mới” của đồng bào dân tộc Mông. Cũng như những dân tộc anh em khác, ngôi nhà chính là chốn yên bình, che nắng, mưa... của đồng bào dân tộc Mông. Làm nhà được coi là một việc hệ trọng trong đời người Mông, do vậy ngày về nhà mới là ngày đại sự của gia chủ.
Điều này được thể hiện ở nghi lễ vào nhà mới của đồng bào.Chính vì vậy, Lễ vào nhà mới được tổ chức tại Làng nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc anh em, đặc biệt, từ đây dân tộc Mông sẽ coi ngôi nhà như trái tim như linh hồn của mình tại “Ngôi nhà chung” và trở thành cộng động thứ 10 sinh sống và hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tái hiện “Lễ hội Bơi chải truyền thống” tỉnh Phú Thọ (Lần đầu tiên được tổ chức tại Làng). Lễ hội bơi chải là hoạt động truyền thống của người dân Phú Thọ, khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc.
Điều đặc biệt của "Bơi chải" chính là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm đồng thời gửi gắm những khát vọng của cuộc sống. Lễ hội đã góp phần giới thiệu, quảng bá về một miền quê, nơi con người luôn khát khao vươn lên, quyết tâm chinh phục sông nước.
Hình ảnh về lễ hội bơi chải truyền thống đã góp thêm vào không gian văn hóa lễ hội những mảng màu đa sắc, khẳng định những giá trị văn hóa có ý nghĩa với cộng đồng sẽ sống mãi với thời gian.
|
Các sản phẩm được bày bán tại Làng văn hóa các dân tộc |
Tại không gian tổ chức lễ hội - Sân khấu nổi sẽ giới thiệu, trưng bày 100 bức ảnh với chủ để “Văn hóa đất Tổ - Cội nguồn văn hóa các dân tộc Việt Nam”
Tái hiện “Tết rằm tháng Bảy” của đồng bào dân tộc Dao, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Tết Rằm tháng Bảy của đồng bào Dao có ý nghĩa quan trọng, là một trong 3 Tết lớn nhất trong năm bên cạnh Tết Thanh minh và Tết Tạ ơn (Tết năm cùng) vì đồng bào có quan niệm “vạn vật hữu linh”, đồng bào tin vào sự tồn tại và bất tử của linh hồn, tin vào sự tồn tại của của một cõi thiêng nơi mà các linh hồn sinh hoạt, dõi theo cuộc sống con người nơi trần thế.
Đây là một tục lệ thể hiện đời sống tín ngưỡng của dân tộc Dao là thờ cúng tổ tiên đồng thời nó cũng thể hiện ý nghĩa nhân văn, lòng nhân ái đối với những linh hồn đã qua đời.
|
Các sản phẩm đặc trưng của dân tộc được bà con bày bán |
Tái hiện Lễ tạ ơn (Asura) của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang (dự kiến). Lễ hội mang ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ sau, hướng về những giá trị văn hóa của cha ông, tạ ơn các vị thần linh.
Đặc biệt, sau Lễ tạ ơn có nghi lễ mừng nhà mới để người Chăm chính thức trở thành đồng bào thứ 11 sinh sống và hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”.
|
Túi thổ cẩm của bà con dân tộc được bày bán tại Làng văn hóa các dân tộc |
Chương trình chiếu phim “Tết Độc lập”. Dự kiến lựa chọn chiếu 02 bộ phim: “Việt Nam Hồ Chí Minh”, năm sản xuất 1985, chất liệu nhựa, thời lượng 60, đạo diễn Đào Trọng Khánh; “Một đất mẹ cho tất cả”, năm sản xuất: 2016, chất liệu: video, thời lượng: 68 phút, đạo diễn: Nguyễn Sỹ Bằng.
Đây là như những tư liệu lịch sử để lại cho nhiều thế hệ người Việt, để bồi đắp thêm lòng yêu nước, tự hào là công dân một quốc gia Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, trường tồn vững mạnh.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật gồm: Chương trình dân ca dân vũ “Vui Tết Độc lập”của đoàn nghệ nhân dân tộc tỉnh Hà Giang với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng lễ Quốc khánh 2/9.
|
Các trò chơi thu hút du khách thập phương |
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc cuả Liên đoàn Xiếc Việt Nam như: xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan tại Làng.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Việt Nam: Biểu diễn các tiết mục đặc sắc với loại hình múa Rối cạn
Chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ của sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
|
Khu vực ẩm thực tại Làng văn hóa |
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay...nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.