Hình ảnh những người phụ nữ nằm vạ vật, ăn cơm trộn bụi bên vỉa hè trước Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông (Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) gần một tháng nay khiến dư luận xôn xao và lý do gì khiến họ làm như vậy?
Lời tòa soạn: Những ngày qua hàng trăm người công nhân Công ty Dệt Mùa Đông (47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) ngồi “bệt” trước cổng để đòi quyền lợi. Họ đã không thể “im lặng” trước những quyết định “tăm tối” của lãnh đạo Công ty Dệt khi hàng chục năm cống hiến cho công ty có thể bị “rơi vào quên lãng”. Pháp luật Plus khởi đăng loạt bài viết phản ánh thực trạng này, đồng hành với hàng trăm công nhân Công ty Dệt Mùa Đông yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết trả lại quyền lợi chính đáng.
Video: Hàng trăm công nhân nằm vạ vật trên vỉa hè tại đường Nguyễn Tuân đòi tiền hỗ trợ di dời.
Ăn cơm "trộn bụi"
Những người phụ nữ mặc áo công nhân, đội nón “âm phủ” ghi dòng chữ màu đỏ ở trên “Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông”, “yêu cầu chế độ chi trả di dời” trước Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông (sau đây gọi là Công ty Dệt) đã diễn ra hơn một tháng nay hiến ai đi qua cũng tò mò không hiểu lý do gì đang diễn ra tại đây?
Qua tìm hiểu của phóng viên PhapluatPlus, những người phụ nữ ngồi "bệt" trước cổng Công ty cổ phần Dệt, là do công ty này chưa chi trả tiền hỗ trợ cho họ theo quyết định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 22/12/2010 về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Được biết, Công ty Dệt ( tiền thân là Cty nhà nước, được cổ phần hóa 100% từ năm 2006). Ngày 25/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định số 5255/QĐ-UBND về việc thu hồi 22.602m2 của Công ty Dệt giao cho Công ty CP Bất động sản Mùa Đông - VID để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán.
Tiếp đó ngày 6/9/2015, Công ty Dệt có thông báo số 06/2015/TB/CT về việc di chuyển nhà máy từ địa chỉ hiện nay về KCN Thạch Thất, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Trước tình hình đó, hàng trăm công nhân đã tập hợp lại để yêu cầu công ty chi trả các khoản tiền hỗ chợ cho việc di dời theo quyết định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 22/12/2010.
Nhưng hết lần này đến lần khác những công nhân tại nhà máy đến đòi quyền lợi nhưng không thấy bên phía Công ty chi trả, nên họ đã tụ tập ăn nằm ở đây đã gần một tháng.
|
Những người công nhân tại Công ty Dệt nằm vạ vật trên vỉa hè đòi tiền hỗ trợ. Ảnh: Như Trường |
Chị Nguyễn Thị Vân Hương là một trong những công nhân của phân xưởng sợi thuộc Công ty Dệt cho biết: "Ban đầu Công ty không muốn áp dụng cái quy định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Sau một thời gian chúng tôi biết và chúng tôi khẳng định được áp dụng quy định 86.
Bởi vì quyết định của Thủ tướng chính phủ là hỗ trợ cho tất cả các Công ty di dời ra khỏi nội thành theo diện ô nhiễm môi trường và hỗ trợ cho những gì liền kề với đất bao gồm nhà xưởng, thiết bị máy móc và người lao động. Theo điều 11 và điều 13 của quy định 86/2010/QĐ-TTg thì bọn tôi được hưởng theo quyết định đấy. Nhưng bên phía Công ty cho rằng, Công ty là Công ty cổ phần nên công nhân không được hưởng quyền lợi theo quyết định này".
|
Chị Nguyễn Thị Vân Hương phản ánh với báo chí về tình trạng trên. Ảnh: Như Trường |
Để làm rõ vấn đề này, PV Pháp Luật Plus đã tìm gặp lãnh đạo Công ty Dệt, nhưng bảo vệ Công ty tìm cách né tránh phóng viên, thậm chí làm khó phóng viên đến làm việc. Điều đáng nói là lãnh đạo Công ty vẫn ở trong văn phòng. Khi phóng viên tiếp cận thì vị lãnh đạo này đi ra ngoài và từ chối không nhận mình là lãnh đạo Công ty Dệt.
Sau khi vị lãnh đạo này từ chối và tìm cách thoái thác không trả lời phóng viên. Tại văn phòng công ty Dệt, đại diện văn phòng của Công ty cho hay: "Nhà máy không có chế độ như trong quyết định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ nên nhà máy không giải quyết được. Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ra ngày 22/12/2010, trong khí đó Cty cổ phần hóa từ năm 2006 thì khó có thể làm được(!?)".
Công ty Dệt Mùa Đông "né" quyết định 86?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt cho biết: bên phía Công ty là cổ phần hóa 100% vốn tư nhân 2006, những công nhân lao động trong số những công nhân ở đây đã được hưởng chế độ hỗ trợ của thành phố về chế độ lúc ấy được cổ phần.
Bây giờ di dời họ muốn đòi hỏi chế độ 86/2010/QĐ – TTg thì công nhân có cái lợi là được tiền nhiều hơn của Công ty, nhưng Công ty cũng có lợi là được tiền mua đất, nhà xưởng, máy móc. Nhưng cái khó của chúng tôi là công ty với 100% vốn tư nhân và Công ty không thuộc đối tượng nằm trong Quy định 86/2010/QĐ – TTg.
Hiện nay bên phía Công ty cũng đang đề nghị lên các sở ban ngành để được hưởng chế độ đó. Nhưng bên phía công nhân thì họ lại yêu cầu phải được chế độ này, bên phía Cty cũng đang đề nghị lên các cơ quan bên trên để xem xét.
Đến ngày 26/11 tới thành phố tiến hành tổ chức họp sáu ban liên ngành, chính thức trả lời cho bên phía Công ty được hay không được hưởng chế độ đó.
|
Văn bản 86/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/12/2010. |
Bàn về vấn đề này, đại diện những người công nhân cho biết: công nhân chúng tôi nằm trong quy định 86/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ.
Phía Công ty họ nói là Công ty cổ phần vốn 100% vốn tư nhân nên họ không thực hiện việc hỗ trợ chi trả là không đúng.
Bởi các Công ty khác như Công ty Cổ phần Dệt Hà Đông và Công ty Cổ phần sợi Hà Nội cũng là những Công ty Cổ phần họ được hưởng chế độ 86/2010/QĐ – TTg, tại sao chúng tôi lại không được hưởng?.
Trong Quyết định 86/2010/QĐ – TTg. Chương I, điều 2, khoản 2, đã nêu rõ là chúng tôi được hưởng quyền lợi đó. Nay phía Công ty lại bảo không được hưởng là hoàn toàn không hợp lý.
Chính vì những bất đồng trên xảy ra giữa một bên là công nhân đòi quyền lợi theo chế độ di dời mà quy chế 86/2010/QĐ – TTg đã ban hành. Bên phía Công ty Cổ phần Dệt thì cho là Công ty không nằm trong quy chế đó, nên cả hai bên đã có những quan điểm bất bình dẫn đến tình trạng hàng trăn công nhân phơi nắng, ăn cơm "trộn bụi" bên vỉa hẻ làm cho dư luận nhức nhối.
Vậy câu trả lời chính đáng nhằm giải quyết vấn đề cho cả hai đang nằm ở đâu?
PhapluatPlus sẽ tiếp tục làm rõ và cập nhật thông tin.