Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục "rung lắc" và có nhiều diễn biến đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá dầu lao dốc sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng. Trong nước (ngày 3/4) giá xăng dầu tăng .
Đóng cửa, lực mua áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2% lên 2.331 điểm - mức cao nhất kể từ tuần cuối tháng 2 cho tới nay.
Nhóm năng lượng gây chú ý khi hầu hết các mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, dầu thô WTI tăng 0,72% lên 71,71 USD/thùng; dầu thô Brent tăng 0,62% lên mức 74,95 USD/thùng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu bất ngờ quay đầu tăng trong phiên ngày hôm qua (2/4) bất chấp những lo ngại về nhu cầu dầu trong tương lai.
Ảnh hưởng từ tình hình thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn đang chiếm ưu thế khi thị trường có thể cảm nhận được những sự biến động mạnh mẽ từ công bố thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện tại, những lo lắng về nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn sau khi những biện pháp trừng phạt của Mỹ được công bố nhắm vào mặt hàng dầu thô từ Iran và Venezuela. Theo ước tính, lượng dầu xuất khẩu từ Venezuela trong tháng 3 đã giảm 11,5% so với tháng trước.
Trong khi đó, trước khi triển khai kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 4 và công bố kế hoạch tương tự cho tháng 5, OPEC+ đã thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng dư thừa vượt hạn mức của nhiều nước thành viên.
Kazakhstan là một trong những quốc gia chịu áp lực lớn nhất từ quyết định này và vấn đề cắt giảm sản lượng tại đây được dự đoán sẽ trở thành trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ diễn ra trong tuần này.
Bên cạnh đó, trong tháng 3 vừa qua, OPEC+ đã giảm sản lượng dầu thô xuống còn khoảng 27,43 triệu thùng/ngày, thấp hơn 110.000 thùng/ngày so với tháng trước.
Nigeria là nước đóng góp lớn nhất vào mức giảm này với sản lượng giảm khoảng 50.000 thùng/ngày, chủ yếu do vụ cháy đường ống dẫn dầu Trans-Niger vào ngày 19/3, khiến hệ thống bị gián đoạn suốt 6 ngày.
Ngoài ra, nguồn cung dầu toàn cầu còn chịu thêm áp lực từ Nga khi chính phủ nước này yêu cầu đóng cửa hai trong ba bến neo đậu tại cảng xuất khẩu dầu chính thuộc Liên doanh Đường ống dẫn dầu Caspian (CPC) ở Biển Đen.
Động thái này có thể làm giảm lượng dầu xuất khẩu qua CPC tới 700.000 thùng/ngày, gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung khu vực.
 |
Giá dầu lao dốc sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng. |
Tuy vậy, đà tăng giá trong ngày hôm qua bị kìm hãm mạnh bởi viễn cảnh nhu cầu dầu lao dốc trong tương lai. Tổng thống Trump đã công bố loạt thuế đối ứng mới áp dụng lên các mặt hàng nhập khẩu từ hàng loạt các đối tác thương mại lớn trong chiều ngày 2/4 theo giờ địa phương.
Theo ghi nhận của MXV, tính đến 10h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent lao dốc 2,2% xuống 73.2 USD/thùng; dầu WTI giảm 2,4% xuống 69,9 USD/thùng sau khi thị trường phản ứng mạnh với thông tin Tổng thống Trump công bố áp thuế đối ứng lên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. MXV cho rằng nhiều khả năng xu hướng suy yếu này sẽ kéo dài cho đến hết phiên giao dịch ngày hôm nay.
Tại thị trường xăng dầu trong nước, Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vừa có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, theo đó từ 15 giờ ngày 3/4 các loại xăng dầu đồng loạt bật tăng.
Cụ thể:
Giá xăng E5 RON92 tăng 341 đồng, giá bán lẻ 20.373 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 546 đồng/lít;
Xăng RON95-III tăng 495 đồng/ lít, giá bán lẻ 20.919 đồng/lít;
Dầu điêzen 0.05S tăng 261 đồng, giá bán lẻ 18.478 đồng/lít;
Dầu hỏa tăng 211 đồng, giá bán lẻ 18.735 đồng/lít;
Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 124 đồng/ lít, giá bán lẻ 17.026 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 27/3/2025 - 02/4/2025) chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, Mỹ công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và cao hơn đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina vẫn tiếp diễn…