Ảnh hưởng của giá dầu giảm tới nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng xét tổng thể, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, do Việt Nam cũng nhập khẩu xăng lớn.
|
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. |
Đó là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với PhapluatPlus xung quanh việc giá dầu giảm và tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian qua, giá dầu thế giới liên tục giảm và có diễn biến khó lường. Vậy theo ông, giá dầu giảm có tác động như thế nào đến nền kinh tế nước ta?
Giá dầu giảm sẽ có tác động hai mặt đến nền kinh tế vì nước ta là một nước vừa nhập vừa xuất. Với tư cách là nước xuất khẩu thì sẽ không tránh được những thiệt thòi, nhất là sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên, với tư cách là nước nhập khẩu thì chúng ta được hai cái lợi lớn nhất. Một là tiết kiệm được mấy tỷ đô la từ tiền nhập khẩu (năm 2015 nước ta tiết kiệm được hơn 2 tỷ USD).
Thứ hai, khi giá dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó làm giảm tất cả những áp lực cho những hoạt động kinh doanh và tiêu dùng khác.
Như chúng ta đã biết thì năm 2015 nước ta có chỉ số CPI thấp nhất trong 14 năm qua. Điều này có tác động không nhỏ của việc giá dầu giảm, từ đó kích thích tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, sự sụt giảm của giá dầu thô cũng mang đến những lợi ích trước mắt cho người dân và doanh nghiệp, khi giá xăng dầu bán lẻ liên tục hạ trong năm qua.
Việc giá xăng trong nước giảm 12 lần trong năm 2015 đã giúp chi phí đầu vào của các ngành sản xuất - kinh doanh giảm, doanh nghiệp được kích thích hoạt động tốt hơn, kéo theo tăng trưởng kinh tế và tăng thu cho ngân sách.
Theo lý thuyết khi giá dầu giảm thì người dân và doanh nghiệp sẽ bớt được những chi tiêu đáng kể cho việc đi lại, vận hành… Tuy nhiên tại sao cho đến thời điểm này những yếu tố tích cực đó vẫn chưa được thể hiện rõ nét trong nền kinh tế?
Trên thực tế đã có những bộc lộ tích cực từ việc giá dầu giảm. Điều này được thể hiện thông qua ba động thái. Thứ nhất, riêng Petrolimex trong những tháng đầu năm đã bán ra ngoài thêm tăng đến 12% sản lượng thành phẩm xăng dầu.
Điều này cho thấy nền kinh tế đã tiêu thụ nhiều hơn. Thứ hai là nó gắn với kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 là 6,8% tăng cao nhất trong 5 năm qua.
Thứ ba, là động thái CPI của Việt Nam trong năm 2015 cũng là thấp nhất trong 14 năm qua. Đây chính là những biểu hiện tích cực của việc giá dầu giảm đến nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên những biểu hiện mạnh hơn nữa theo đòi hỏi của người dân cũng như của doanh nghiệp và của cả nhà nước thì rõ ràng là còn chưa tới.
Điều này phụ thuộc nhiều vào vấn đề chia sẻ lợi ích. Trong đợt tăng giảm giá xăng dầu vừa qua đã có sự trì trệ nhất định, nó khiến cho lợi ích dường như đọng lại ở ngành vận tải và xăng dầu. Bằng chứng là ngành xăng dầu đã có lãi suất rất tốt trong năm qua mặc dù doanh thu của họ giảm và chi phí định mức tăng lên.
Nếu trong thời gian tới giá dầu tiếp tục giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hụt thu ngân sách nhà nước. Vậy theo ông, chúng ta cần có những phương án nào để đối phó với kịch bản này?
Nguồn hụt thu ngân sách nhà nước đã và đang được bù đắp bằng nguồn thu bổ sung từ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá…; tăng tỉ giá và phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như tăng khai thác, xuất khẩu dầu thô từ những mỏ có giá thành thấp trong khi giảm khai thác ở những mỏ có giá thành cao…
Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần thêm nhiều bứt phá trong gia tăng sự minh bạch, công bằng, cải thiện điều kiện cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích liên quan đến kinh doanh và quản lý kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!