Những ngày đầu xuân 2024, biển Sầm Sơn, Thanh Hóa vẫn êm đềm và đẹp đẽ nhưng ít ai còn nhớ cuộc đối đầu không cân sức giữa dân quân du kích của xã Quảng Tường với tàu biệt kích của địch trên biển Sầm Sơn cách đây đã hơn nửa thế kỷ.
Đây là lần đầu tiên chiến tranh du kích trên biển, dùng phương tiện thô sơ đánh chìm tàu địch với phương tiện và vũ khí hiện đại để bảo vệ vùng lãnh hải, vùng trời và đất liền của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Chấn - thuyền viên. |
Tôi đến thăm ông vào buổi sáng đầu xuân, ở tuổi 87, ông Nguyễn Đình Chấn rất minh mẫn và mạnh khỏe, với dáng vóc cao to, cách nói chuyện dung dị và chân thực, ông nhớ đầy đủ tên tuổi của 6 thuyền viên là đồng đội của mình và cả những chi tiết nhỏ sau chiến công của ông cùng đồng đội đánh chìm tàu địch.
Tiếc là 5 trong 6 đồng đội của ông nay đã đi xa, chỉ còn lại mình ông. Người ông tôn trọng và nhắc nhiều trong cuộc trò chuyện với phóng viên, đó là Thuyền trưởng Nguyễn Viết Xướng, người chỉ huy trận đánh vào đêm 09/4/1966.
Trở lại thời khắc lịch sử cách đây 58 năm, chiến hạm Madox của Hạm đội 7 của Mỹ bị Hải quân và nhân dân ta đánh đuổi ra khỏi hải phận Việt Nam vào tháng 8/1964, địch tăng cường dùng các loại tàu biệt kích nhỏ vào gần bờ để bắt bớ ngư dân, tung bọn người nhái lên đất liền để phá hoại một số cơ sở ven biển.
Là người trực tiếp ném bộc phá lên tàu địch, ông Chấn thổ lộ: “Năm 1966, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương tổ chức một số ngư dân, dùng thuyền đánh cá, bí mật tiếp cận nhằm phá tàu biệt kích địch…Thời đó, ông Trịnh Tố Phan là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thanh Hóa và ông Vũ Văn Kính là Trưởng ty Công an tỉnh Thanh Hóa phổ biến quyết định của cấp trên về việc lấy tinh thần xung phong, thành lập hai đội quân, mỗi đội gồm 6 người để làm nhiệm vụ tập kích tàu biệt kích của Mỹ.
Cấp trên giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Viết Xướng, khi đó là xã đội phó xã Quảng Tường, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bất cứ khi nào nghe tin tàu biệt kích đến bắt ngư dân ở đâu trong tỉnh là ông Xướng tìm cách tiếp cận, tìm hiểu và nắm tình hình. Những người dân chài này đã giúp nhiều cho sự hiểu biết của ông để áp dụng, chuẩn bị phương án chiến đấu.
Vết thương trên chân của ông Chấn. |
Sau thời gian huấn luyện, 6 anh em chúng tôi được chọn trong số ngư dân tham gia xung phong để tiếp tục huấn luyện cách đánh trong mọi điều kiện thời tiết, gồm ông Lê Nhữ Vối; ông Lê Văn Rạng; ông Nguyễn Hữu Nụ; tôi Nguyễn Đình Chấn; ông Nguyễn Hữu Thẳng- Thuyền phó; ông Nguyễn Viết Xướng- Thuyền trưởng, người chỉ huy trận đánh.
Với mệnh lệnh: “thưa ông, chúng tôi là dân đánh cá, khi đó tất cả đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn và bộc phá lên tàu…”.
Ông Chấn nhớ lại: “Tối ngày 09/4/1966, chúng tôi phát hiện 3 đốm sáng di chuyển dần về phía chúng tôi, tiếng sóng biển xen lẫn tiếng động cơ to dần.
Mắt chúng tôi bám sát mấy đốm sáng của ánh đèn tàu biệt kích của địch, chúng đi theo hình chữ V, theo lệnh Thuyền trưởng Nguyễn Viết Xướng, mọi người cùng vào vị trí, 3 người nấp dưới khoang thuyền, thủ sẵn súng AK, bộc phá, lựu đạn; 3 người trên thuyền với bộc phá, lựu đạn giấu trong người, giả làm dân đánh cá.
Khi tàu của địch phát hiện được chúng tôi, chúng tôi ra tín hiệu quăng lưới, giả là ngư dân. Khoảng cách rất gần, tiếng phát thanh phát ra từ phía tàu của địch bằng một giọng Nam Bộ: “muốn sống cho thuyền vào đây”…
Trong khi tàu của địch lớn gấp 2-3 lần thuyền của chúng tôi, chiếc đi đầu lao thẳng về phía thuyền chúng tôi, lúc này ông Xướng hô: “thưa các ông, chúng tôi là dân đánh cá”- dứt tiếng hô của Thuyền trưởng, tất cả đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, bộc phá lên tàu, rồi nhanh chóng ôm luồng làm phao nhảy xuống biển. Một tiếng nổ long trời, chiếc tàu địch như cột lửa khổng lồ trong đêm, sáng rực rồi chìm nghỉm…
Chúng tôi bơi trên biển khoảng 1 tiếng đồng hồ thì cả 6 thuyền viên được thuyền của ngư dân ứng cứu đưa vào bờ.
Trong 6 anh em chỉ có tôi bị thương ở chân, còn lại là an toàn. Về phía địch, còn 2 chiếc thuyền sau khi bắn xối xả vào tàu của chúng tôi rồi rút lui, bỏ chạy…”.
Những tấm huân huy chương của ông Nguyễn Viết Xướng. |
Một thoáng ký ức ùa về, trên khuôn mặt phúc hậu của ông pha chút xúc động và xen lẫn tự hào: “Sau chiến công đánh chìm tàu địch, thành tích của chúng tôi được báo cáo ở Hội nghị dân quân du kích toàn miền Bắc.
Cả 6 anh em chiến đấu diệt tàu địch đều được nhà nước tặng Huân chương chiến công. Vinh dự nhất là chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng thưởng Huân chương chiến công năm 1966.
Riêng Thuyền trưởng của chúng tôi, ông Nguyễn Viết Xướng không chỉ được tặng Huân chương chiến công của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký thưởng Huy chương năm 1962 và Chủ tịch Trường Chinh tặng năm 1986.
Có thể khẳng định rằng, bất cứ trận chiến nào, kế hoạc nào, công việc nào mà dựa vào dân, được dân ủng hộ thì trận đánh đó, kế hoạch đó sẽ nhất định sẽ thắng lợi.
Phóng viên thăm gia đình ông Nguyễn Đình Chấn trong ngày đầu xuân năm mới. |
Sau trận chiến này, các nhà chiến lược quân sự nhận định: đưa chiến tranh du kích ra biển là nét phát triển độc đáo của chiến tranh nhân dân, đây là cách đánh kỳ lạ”- ông Chấn nhớ lại.
Chia tay ông Chấn ra về, phóng viên nhớ mãi câu nói của ông Chấn: “Bất cứ trận chiến nào, kế hoạch nào, công việc nào mà dựa vào dân, được dân ủng hộ thì trận đánh đó, kế hoạch đó sẽ nhất định thắng lợi ”.
Cũng theo lời ông Chấn, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Việt Xướng được cử làm lãnh đạo địa phương trong nhiều năm cho tới khi nghỉ hưu, chức vụ mà ông Xướng từng đảm nhiệm: Chủ tịch xã Quảng Tường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, nay là TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua. |