HĐQT Công ty cổ phần Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của Công ty gặp nhiều khó khăn.
Lùi thời hạn trả cổ tức năm 2022
Vừa qua, HĐQT Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán: FCN) vừa ban hành Nghị quyết số 48/2023 ngày 24/10/2023 phê duyệt thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền trong quý I/2024.
Về nguyên nhân lùi thời hạn, HĐQT Công ty cổ phần Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của Công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.
Đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của Công ty.
Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của của công.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nên dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.
Fecon đang kinh doanh ra sao?
Trong giai đoạn 2019 đến 2022, doanh thu của CTCP FECON (Sau đây sẽ gọi tắt là: FECON) lợi nhuận của doanh nghiệp đã liên tiếp đi xuống. Cụ thể, FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2018 là hơn 248 tỷ đồng, đến năm 2019 giảm xuống còn 211 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn 133 tỷ đồng. Còn hai năm gần nhất, lãi ròng của FECON lần lượt giảm xuống mức 70,7 tỷ đồng (năm 2021) và 51,6 tỷ đồng (năm 2022).
Nửa đầu năm 2023, mặc dù doanh thu thuần của FECON đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 16,7% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm ngoái, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 19,3%, tăng đến 6,7% so với nửa đầu năm 2022, giúp lợi nhuận gộp đạt 247,9 tỷ đồng, tăng 27,8%.
Biên lợi nhuận được cải thiện chủ yếu là nhờ biến động giá nguyên vật liệu và nhân công năm nay thuận lợi hơn, không tăng bất thường như nửa đầu năm ngoái, nên Công ty đã tính toán và phản ánh vào đơn giá chào thầu, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư/nhà thầu chính.
Tuy vậy, do chi phí tài chính ở mức cao, chủ yếu là chi phí lãi vay (136 tỷ đồng, cao hơn mức 98 tỷ đồng của năm 2022), lợi nhuận sau thuế thu về sau nửa đầu năm chỉ vỏn vẹn 1,37 tỷ đồng. Đáng nói, nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm 10 tỷ đồng doanh thu tài chính so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí tài chính lại tăng đến 40 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của FECON là 2.962 tỷ đồng, chiếm 38,5% cơ cấu nguồn vốn.
Trong đó, 2.018 tỷ đồng là các khoản nợ vay ngắn hạn hoặc nợ vay dài hạn đến hạn trả. Trong những quý gần đây, số dư nợ vay của FECON có xu hướng tăng trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, chủ yếu do công nợ phải thu, chi phí xây dựng dở dang của các dự án gia tăng và Công ty phải tăng cường sử dụng nợ vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cũng như đáp ứng nhu cầu dòng tiền đầu tư, thi công các dự án.
Nhà thầu phải bỏ vốn và vay ngân hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký nhưng tốc độ nghiệm thu chậm, thanh toán càng chậm.
Tính đến hết quý II/2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON ở mức âm gần 101,8 tỷ đồng, gần lớn bằng mức âm dòng tiền cả năm 2021 (110,4 tỷ đồng). Như vậy, FECON không chỉ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 4 năm liên tiếp mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng âm từ năm 2021 đến nay.
Tổng cộng nợ vay của FECON tăng 343 tỷ đồng trong 4 quý gần nhất để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và đầu tư. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng thêm hơn 240 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2022, lên 3.395 tỷ đồng, nợ ngắn hạn cao gần bằng mức vốn chủ sở hữu là 3.407 tỷ đồng.
Số dư nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của FECON trong nửa đầu năm nay lên đến 137 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với 96% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính và thu nhập khác).
Việc thu hồi công nợ của FECON gặp nhiều khó khăn, bằng chứng là công nợ phải thu ngắn hạn đến cuối quý II/2023 chiếm đến 58,2% tài sản ngắn hạn với giá trị 3.102 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang là 1.644 tỷ đồng, chiếm 31,8% tài sản ngắn hạn. Việc thu xếp dòng vốn trả nợ và tái đầu tư đang là bài toán khiến BLĐ của FECON phải đau đầu, trong thời gian vừa qua FECON cũng phát hành trái phiếu để bổ sung vốn lưu động nhưng đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp sẽ cần phải thu xếp dòng tiền thay thế. Trong khi đó, tiền và tương đương tiên của FECON sau 2 quý đầu năm dừng ở mức 273,6 tỷ đồng.
Như Pháp luật Plus từng thông tin, vào cuối tháng 9/2023, theo công bố của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội CTCP FECON và loạt Công ty thành viên từng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo số liệu được công bố bởi Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, tại thời điểm 31/8/2023, CTCP Fecon (Mã chứng khoán: FCN) và các công ty thành viên từng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động với tổng số tiền lên đến trên 6,5 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, CTCP FECON (địa chỉ: tầng 15, KĐT Mễ Trì Hạ, ¬quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm với số tiền hơn 681 triệu đồng.
CTCP Cọc và Xây dựng FECON (địa chỉ: tầng 17 tháp CEO, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng 1,1 tỷ đồng.
CTCP Xây dựng hạ tầng FECON (địa chỉ: tầng 19, tòa nhà CEO, Lô HH2-1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm hơn 563 triệu đồng.
CTCP Công trình ngầm FECON Raito (địa chỉ: tầng 19, tòa nhà CEO, Lô HH2¬1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng bảo hiểm hơn 504 triệu đồng;
CTCP Đầu tư FECON (địa chỉ: tầng 2, tòa nhà CEO, Lô HH2¬1, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) chậm đóng hơn 122,8 triệu đồng.
CTCP thi công cọc FECON số 1 (Đây là công ty con sở hữu gián tiếp của CTCP FECON, thông qua CTCP Cọc và Xây dựng FECON) chậm đóng hơn 4,13 tỷ đồng.