Trong quý I/2025, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đạt hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn FDI đăng ký vào cả nước. Mức tăng trưởng này đạt 44,1% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường địa ốc Việt Nam.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 3, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 49,2%; vốn điều chỉnh hơn 1,68 tỷ USD, tăng nhẹ 4,2%; còn lại là vốn góp và mua cổ phần với 2,19 tỷ USD, tăng 25,6%. Ước tính, vốn giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%.
 |
Hình ảnh minh họa. |
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Đông Nam Á, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khối ASEAN. Nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt, chi phí lao động cạnh tranh cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư và hành lang pháp lý cũng là những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài thêm phần tin tưởng. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa, cùng hàng loạt ưu đãi về thuế và đất đai trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục củng cố niềm tin thị trường.
Một số dự án FDI đáng chú ý trong thời gian qua bao gồm tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên với tổng vốn 1,5 tỷ USD; và dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội – một tòa tháp 108 tầng cao 600m, do liên doanh Tập đoàn BRG và Sumitomo phát triển. Dự án này được xem là trung tâm của thành phố thông minh rộng 272 ha tại huyện Đông Anh với tổng mức đầu tư cho hạ tầng và đất đai đạt khoảng 1,55 tỷ USD.
Về tín dụng bất động sản, theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2025, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đạt khoảng 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó có gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành riêng cho nhà ở xã hội và các dự án phục vụ nhu cầu ở thực. Tín dụng toàn hệ thống năm nay được định hướng tăng khoảng 16%, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được đưa thêm vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn phục hồi thận trọng. Trong quý I, tổng giá trị phát hành mới toàn thị trường đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong 5 năm. Sự sụt giảm chủ yếu do lượng phát hành riêng lẻ ít đi, trong khi phát hành ra công chúng tăng mạnh, đạt hơn 23.000 tỷ đồng – tăng 68% và là mức cao nhất trong vòng 5 năm, nhờ sự tham gia tích cực của ngân hàng và công ty chứng khoán.
Dù vậy, các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thực sự quay lại mạnh mẽ với kênh huy động vốn từ trái phiếu, khi nhóm này chỉ chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành mới. Ngược lại, bất động sản dẫn đầu về mua lại trái phiếu trước hạn, chiếm gần 60% tổng giá trị mua lại, tương đương 11.361 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2025 ước đạt hơn 181.000 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm bất động sản chiếm tới hơn 96.500 tỷ đồng. Ba trường hợp chậm trả lãi mới trong quý I, với tổng giá trị hơn 4.800 tỷ đồng, chủ yếu cũng đến từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và xi măng.
Chính phủ và các bộ ngành đang hướng tới việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, hạ tầng đô thị và các chính sách tín dụng hợp lý nhằm đảm bảo thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững.