Khi xảy cháy, phần đa những người trong cuộc thường tìm nhà vệ sinh để thoát thân, nhưng trên thực tế thì hành động vậy sẽ gây nguy hiểm cho bản thân.
Liên quan tới vụ cháy làm nhiều căn nhà bị cháy trụi tại phố Trần Thái Tông (Hà Nội) chiều ngày 1/11, nhiều người cho biết để thoát nạn trong đám cháy chúng ta có thể chui vào nhà vệ sinh.
|
4 căn nhà kinh doanh quán karaoke bị lửa thiêu rụi trên phố Trần Thái Tông chiều 01/11 vừa qua. |
Để tìm hiểu về cách thoát khỏi đám cháy một cách an toàn, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Tô Mạnh Thắng - Phòng Cảnh sát PC&CC quận Đống Đa.
Theo Đại tá Thắng, gần đây xảy ra liên tiếp các vụ hỏa hoạn ở quán karaoke, hầu hết các quán karaoke xảy ra cháy trong thời gian gần đây chưa được nghiệm thu về PCCC nên các điều kiện đảm bảo về công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được đảm bảo.
"Với các vụ cháy nhà xảy ra, có không ít tai nạn thương tâm xảy ra do mọi người không biết làm gì để thoát hiểm, vì vậy khi xảy ra đám cháy chúng ta cần phải lưu ý thực hiện theo đúng các bước để ra khỏi nơi nguy hiểm.
Trên thực tế, khi có cháy nghẹt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị phỏng và chết cháy nên nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để có thể thở được trong khói.
Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng trên cơ thể" - Đại tá Thắng cho biết.
|
Khi xảy cháy, thường có rất nhiều khói lan tỏa khắp nơi, người trong cuộc không hiểu nguyên tắc bảo vệ bản thân sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: Huy Trung |
Cũng theo Đại tá Thắng, việc di chuyển đúng cách để ra đến vùng an toàn cũng rất quan trọng. Khi có cháy, thường khói rất nhiều sẽ làm chúng ta mất phương hướng, mọi người cần bình tĩnh xử trí, không xô lấn, chen nhau mà phải từ từ bám vào tường men ra đến cầu thang hoặc lối thoát hiểm.
Lưu ý khi đám cháy có nhiều khói, theo tự nhiên khói thường bay lên cao nên chúng ta cần cúi càng thấp người càng tốt. “Khi cúi thấp người, có thể bò dưới sàn nhà, chúng ta sẽ ít hít phải khói độc hơn” - Đại tá Thắng giải thích.
Khi PV hỏi về việc trong đám cháy, nhiều người lao vào nhà vệ sinh để thoát thân, đại tá Thắng giải thích “Nếu trong trường hợp nhà vệ sinh đó nằm cách xa khu vực bị cháy, thì chúng ta có thể vào trong đó nhưng cần lưu ý nhà vệ sinh có cửa kín không, nếu không kín cần bịt kín tất cả các khe hở bằng giẻ, khăn ướt...
Tuy nhiên, trong tòa nhà bị cháy mà chui vào nhà vệ sinh là không nên vì nơi đây được xây kín, ít không khí không có lối thoát, lại là nơi khuất rất khó cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tìm, cứu”.
Cuối cùng, khi có cháy, những người trong đám cháy không nên chạy thoát bằng cách dùng cầu thang máy, khi nhà cháy có thể mất điện, chúng ta đi thang máy sẽ bị kẹt trong đó mà không ra được, lúc khói lan vào cầu thang máy sẽ khiến bị ngạt.
“Khi có cháy, bình tĩnh xử trí và làm đúng cách thì bạn sẽ thoát khỏi đám cháy, hãy luôn nhớ và tỉnh táo để bảo vệ tính mạng cho bản thân” - Đại tá Thắng nhấn mạnh.