Theo văn bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc đăng tải bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, ngày 29/11/2022, Bộ GD&ĐT đã trực tiếp nhận được văn bản góp ý của 13 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 41 tỉnh/TP, 15 Đại học (ĐH)/trường ĐH và ý kiến góp ý của 27 cá nhân do Cổng thông tin điện tử Chính phủ chuyển đến.
Trong đó, có 3 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 27 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương; 10 cơ sở giáo dục ĐH hoàn toàn nhất trí với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Có 10 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 24 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương; 5 cơ sở giáo dục ĐH nhất trí về chủ trương đối với việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo và có ý kiến góp ý cụ thể đối với hồ sơ xin ý kiến của Bộ GD&ĐT.
Sau các góp ý này, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu và chỉnh sửa, làm rõ trong dự thảo Tờ trình.
Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục
Đối với Tờ trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, để bảo đảm tính thuyết phục về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung và làm rõ một số nội dung trong dự thảo Tờ trình, báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động chính sách như những mâu thuẫn, bất cập, chồng chéo về các quy định có liên quan đến nhà giáo đang được quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục ĐH năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014... Đồng thời, đề nghị thuyết trình, lý giải cụ thể về tính đặc thù của nhà giáo so với các ngành, nghề khác trong xã hội làm cơ sở đề xuất các chính sách trong dự án Luật.
Đánh giá và làm rõ hơn pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định nào chưa điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo đang hoạt động tại các trường ngoài công lập; Sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định dự kiến điều chỉnh về các vấn đề nhà giáo trong Luật Nhà giáo so với Luật Viên chức năm 2010. Làm rõ các quy định hiện hành về chủ trương chuyển đối số trong công tác giáo dục, đào tạo; Quy định về xây dựng xã hội hóa học tập, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn có liên quan cần phải được quy định trong Luật Nhà giáo.
Theo Bộ Y tế, trong sự cần thiết ban hành Luật cần làm rõ hơn những bất cập ở quy định hiện hành về nhà giáo, trong thực tiễn triển khai thực hiện.
Trường ĐH Hải Phòng lại cho rằng, tại phần II, mục 1 về mục đích xây dựng Luật, xem xét bổ sung nội dung: “Tạo chính sách động viên, hỗ trợ đối với nhà giáo tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn của cả nước”. Ngoài ra, tại phần IV, mục 2, tiểu mục 2.3, bổ sung nội dung: Các tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo; Kỷ luật nhà giáo; Bổ sung nội dung về về tăng, giảm biên chế phù hợp với giáo viên tương ứng với các bậc học và đặc biệt giảm sự chênh lệch về số lượng và chất lượng ở các vùng, miền".
Theo trường ĐH Luât Hà Nội, ở phần I – mục 4, yêu cầu hội nhập quốc tế và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nên cân nhắc, bổ sung phần kinh nghiệm quốc tế của một sổ Quốc gia nhất định tương ứng với 5 nhóm vấn đề cơ bản. Đặc biệt, cần chỉ rõ Luật Nhà giáo của từng Quốc gia đã ban hành để tăng thêm tính thuyết phục. Ở phần IV, đề nghị cân nhắc bổ sung các nội dung như quy định về bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp; Bổ sung quy định về luân chuyển, điều động, biệt phái nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Còn về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, dự thảo cần quy định rõ và chi tiết các nội dung: Xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho nhà giáo; Đặc biệt là đối với nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng sâu, vùng xa, các chính sách hỗ trợ về vật chất, khuyến khích tinh thần.
Ở tiểu mục 3.3, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cần bổ sung thêm một trong những hạn chế, bất cập là chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ, chế độ đãi ngộ... Mục 1, trong mục II về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, cần nhấn mạnh thêm ý: Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT Long An đề nghị bổ sung tại điểm 4.2, mục IV chế độ đãi ngộ, tôn vinh đối với giáo viên có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên. Tại điểm 4.3, mục IV, đề nghị bổ sung lộ trình, giai đoạn cụ thể thực hiện chế độ về lương, phụ cấp, chế độ hưu trí... cho giáo viên đang công tác.
Sở GD&ĐT Phú Yên nhận định, nếu xây dựng được một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo sẽ giúp giải quyết thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Đánh giá và làm rõ hơn pháp luật hiện hành còn thiếu
Đối với dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về nhà giáo, Bộ Công an cho rằng, cần đánh giá và làm rõ hơn pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định nào chưa điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo đang hoạt động tại các trường ngoài công lập; Sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định dự kiến điều chỉnh về các vấn đề nhà giáo trong Luật Nhà giáo so với Luật Viên chức năm 2010.
Sở GD&ĐT Hà Nam đề nghị bổ sung vướng mắc, bất cập về các chính sách đào tạo sinh viên Sư phạm chưa bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, đề nghị bổ sung vấn đề quản lý đội ngũ nhà giáo quy định tại các văn bản hiện hành còn thiếu hệ thống, chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp quản lý ở địa phương, khó áp dụng thực hiện đối với các cơ sở giáo dục.
Tại mục III - Thi hành pháp luật và thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đối với đội ngũ nhà giáo, ở phần vướng mắc, bất cập của mục 8, chính sách tôn vinh nhà giáo, ĐH Quốc gia TP HCM khuyến nghị bổ sung: Tiêu chuấn sáng kiến khi đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp, thiếu tính linh hoạt đối với đội ngũ nhà giáo nói chung, giảng viên và nghiên cứu viên nói riêng.
Đề nghị xây dựng quy định một số thành tích được vận dụng tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở để đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nhằm động viên, tạo động lực các nhà giáo phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Tại mục IV, khuyến nghị xác định rõ khái niệm, trách nhiệm, quyền lợi... của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bổ sung phụ cấp đối với người làm việc tại các đơn vị phòng, ban chức năng trong các cơ sở giáo dục; Xây dựng chế độ, chính sách đối với nhà giáo là người nước ngoài hiện đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
ĐH Hải Phòng góp ý với Bộ GD&ĐT: Một trong những bất cập nhà giáo hiện nay là sự chênh lệch khá cao về mức sống so với mức thu nhập, phần lớn thu nhập cùa giáo viên chưa đáp ứng đủ mức sống. Bên cạnh đó, còn có sự chênh lệch của giáo viên giữa thành thị - nông thôn - vùng sâu, vùng xa, các thành phố lớn - các tỉnh lân cận.
Sở GD&ĐT Yên Bái đề nghị sửa nội dung vướng mắc bất cập trong việc đào tạo, bồi dưỡng trong trang 19, 20, mục 5, phần III, đó là: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên không phải trả kinh phí.
Cần có quy định điều chỉnh với nhà giáo là người có quốc tịch nước ngoài
Đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đề nghị bổ sung nội dung đánh giá đối với sinh viên, học sinh các cơ giáo dục nghề nghiệp; sinh viên theo học các ngành, nghề đào tạo sư phạm kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Trong khi đó, Bộ Công an nêu lên góp ý, cơ quan chủ trì đưa ra 5 chính sách để đánh giá, kiến nghị trong đề nghị xây dựng Luật nhưng nội dung các chính sách được nêu trong báo cáo đánh giá tác động còn chung chung, chưa chi tiết.
Về nội dung đánh giá tác động của chính sách, Bộ Y tế cho rằng, các giải pháp đề xuất trong mỗi chính sách đều chưa được đánh giá tác động đầy đủ về kinh tế, chi phí, lợi ích tác động đến các chủ thể là Nhà nước, cơ sở giáo dục, người dân; Nội dung dự thảo báo cáo chưa đánh giá tác động xã hội liên quan đến các vấn đề như việc làm, sức khỏe, y tế, môi trường, giáo dục, giảm nghèo...
Bộ Y tế đề nghị rà soát và bổ sung đánh giá tác động về giới đối với một sổ chính sách trong dự thảo báo cáo; Rà soát, phân tích kỹ các tác động đối với hệ thống pháp luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật khi xây dụng Luật Nhà giáo.
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị cân nhắc việc phân loại nhà giáo, làm căn cứ xác định về trình độ, tiêu chuẩn nhà giáo và chế độ, chính sách phù họp, đặc biệt là chế độ chính sách đặc thù đối với các nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù; Xem xét quy định chính sách đối với việc bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thế dục, thế thao cho các cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời xem xét các quy định về chính sách liên quan trong các Luật chuyên ngành khác đế đảm bảo toàn diện, khả thi.
"Hiện nay, không chỉ trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mà tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập cũng có sự tham gia giảng dạy của những nhà giáo là người có quốc tịch nước ngoài, do đó, cần có những quy định để điều chỉnh đối với đối tượng này" - ĐH Quốc gia TP HCM cho hay.
ĐH Quốc gia TP HCM cũng khuyến nghị bổ sung chính sách quy định về các biện pháp xử lý/chế tài đối với những vi phạm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp vào Luật Nhà giáo; Bảo vệ nhà giáo khi có bạo lực học đường xảy ra.