Giáo dục là quốc sách hàng đầu
Chiều tối 20/11 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng gặp mặt các vị đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tình cảm thân thiết, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc.
“Những ngày này, trên khắp mọi miền của đất nước, đội ngũ thầy cô giáo, những người làm công tác quản lý giáo dục ấm lòng hơn khi được đón nhận rất nhiều tình cảm quý trọng, chân thành và lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ học trò và của cả xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư - trọng đạo, truyền thống ấy được gìn giữ, trao chuyền, vun đắp qua các thế hệ, trở thành đạo lý tốt đẹp, nét văn hóa đặc sắc.
Ông cha ta đã đúc kết: “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”…
Người Thầy đã là biểu tượng của tri thức, trí tuệ và đạo đức, là nhân tố quyết định sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"; “không có thầy giáo thì không có giáo dục.
Không có giáo dục - không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khẳng định đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển và khẳng định trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: giáo dục là quốc sách hàng đầu, lực lượng nhà giáo nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đã được ban hành và tổ chức thực hiện trong thực tế.
Sáng nay (20/11), Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật Nhà giáo với nhiều ý kiến thể hiện sự tri ân, ghi nhận, tôn vinh, tôn trọng với những quy định mới tốt hơn đối với nhà giáo.
Cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển lớn mạnh, với nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm với nghề (có trên 1,6 triệu giáo viên đang công tác, 6.000 giáo sư và phó giáo sư, 60.000 người có trình độ tiến sỹ, gần 900.000 giáo viên đã nghỉ hưu).
“Các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người", nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, tôi rất xúc động khi chứng kiến các thầy cô giáo đã không quản hiểm nguy, vượt qua lũ dữ, khu vực sạt lở, kiên trì bám trụ, bảo đảm an toàn cho các em học sinh”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: quochoi.vn |
"Với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
"Tôi mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 vừa qua là: mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng".
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước.
Tạo thêm động lực cho nhà giáo, thu hút người có tài, có tâm với nghề
Trước đó, cũng tai phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo, Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm cần phải tạo thêm động lực cho nhà giáo, thu hút người có tài, có tâm vào công tác giảng dạy.
"Tôi cho rằng, việc phát triển, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Chủ trương của Đảng ta từ trước đến nay đều coi trọng công tác giáo dục – đào tạo, trong đó đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng. Hiến pháp 2013 cũng đã tiếp tục khẳng định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, Đại biểu Dương Văn Phước nói.
"Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý nhà nước về giáo dục trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề đối với đội ngũ làm công tác trồng người.
Bên cạnh đó, còn một số trường hợp hình ảnh người thầy giáo, cô giáo có biểu hiện suy thoái về đạo đức, phẩm chất, làm mất đi sự tôn nghiêm, chuẩn mực đáng kính của người thầy. Do vậy, tôi cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, ở chừng mực nào đó, có thể nói là chậm so với yêu cầu thực tiễn".
Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn |
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, việc xây dựng hình ảnh người thầy giáo mẫu mực, đáng kính trong xã hội mặc dù là nội dung khó, nhưng lại rất quan trọng mà tôi cho rằng Luật Nhà giáo lần này cần phải hướng đến.
Điều mà tôi mong muốn nhất đó là sau khi Luật này được ban hành, hình ảnh, chuẩn mực người thầy phải được chính họ tôn trọng, để được xã hội tôn vinh, xứng đáng với sứ mệnh trồng người, truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc ta.
Về tổng thể, tôi cơ bản tán thành với các nội dung, chính sách cho nhà giáo mà dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã đề cập.
Dự thảo Luật lần này đã dành những ưu tiên, ưu đãi nhất định cho nhà giáo.
Các chính sách này đều cần thiết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đây sẽ là động lực, điều kiện để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nhà nước cần phải có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào sự nghiệp trồng người.
Về những chính sách ưu đãi trong thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, tôi rất ủng hộ.
Tuy nhiên, nếu xét riêng từng vùng miền, tôi thấy rằng, người thầy ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn quá cực khổ. Họ hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp giáo dục.
Tình yêu nghề, yêu trò không cho phép họ bỏ trường, bỏ lớp, về vùng có điều kiện thuận lợi dù họ có thể đi bất cứ lúc nào.
Do vậy, tôi thiết nghĩ, dự thảo Luật lần này cần có những chính sách đột phá hơn nữa, ưu tiên hơn nữa đối với giáo viên ở khu vực này.
Cũng đưa ra ý kiến tại phiên họp Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đưa ra quan điểm Đảng, Nhà nước, xã hội cần quan tâm sâu sắc đến đội ngũ nhà giáo.
“Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” là tư tưởng, quan điểm nhất quán được Đảng ta khẳng định trong nhiều kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương.
Ngay cả trong Hiến pháp 2013 cũng xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cáo dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Và chúng ta biết rằng, lực lượng nòng cốt để thực hiện sứ mệnh này chính là đội ngũ nhà giáo.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn |
Do vậy, tôi cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo; là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng những chính sách đột phá nhằm thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực cao và các điều kiện khác để thực hiện sứ mệnh quan trọng nhất, cốt lõi nhất, quyết định chất lượng giáo dục trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp này đúng vào dịp Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều này lại một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức đối với đội ngũ nhà giáo.
Do vậy 5 nhóm chính sách có tính đột phá, đặc thù được đưa vào dự thảo Luật vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt, vừa xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, toàn diện, khả thi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo, những người làm nghề cao quý- vừa dạy chữ, vừa dạy người.
Đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh mới đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên; không có sự phân biệt, đối xử giữa nhà giáo trong khu vực công lập hay dân lập.
Tuy nhiên, để các chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống, thực sự trở thành điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển đất nước, tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động cụ thể của từng chính sách và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đầu ngành, kinh nghiệm quốc tế để hoàn chỉnh dự án Luật đảm bảo về cả thời gian, chất lượng và mục tiêu của các chính sách đặt ra.
Một đạo luật riêng về nhà giáo với những chính sách khả thi sẽ là sự tri ân ý nghĩa nhất dành tặng các nhà giáo.