Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 Hà Nội sẽ xây dựng 3 nhà máy nước mặt gồm: Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hai dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống đang cho thấy không hoàn thành đúng tiến độ, đúng quy mô cấp nước.
Mỏi mòn đợi nước sạch
Ngày 5-9-2019, Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 TP Hà Nội đã khánh thành tại huyện Gia Lâm, với tổng công suất 300.000m3/ngày. Nhà máy đã hoàn thành với tổng mức đầu tư đến 5.000 tỷ đồng (225 triệu đô la Mỹ) và vượt tiến độ tới 16 tháng. Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Hà Nội sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước sông Đà, Nhà máy nước sông Hồng và Nhà máy nước sông Đuống.
Phạm vi cấp nước của từng nhà máy nước mặt này cũng được ấn định rất rõ và theo đó phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sông Đuống bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Tương tự, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sông Đà và phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sông Hồng cũng được ấn định rất rõ trong quy hoạch và không hề chồng chéo hay trùng lắp với phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sông Đuống.
Tháng 1-2019 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã bổ sung nguồn cấp cho Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Cty CP Nước sạch số 2 Hà Nội và Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông với công suất bình quân 120.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, địa bàn huyện Sóc Sơn vốn nằm trong quy hoạch có đường nước sông Đuống hiện hữu lại chưa có một đoạn ống nước sạch nào được lắp đặt.
Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho liên danh Cty CP Aqua One và Cty CP nước mặt sông Đuống thực hiện dự án phân phối nước sạch cho 18 xã của huyện Sóc Sơn. Theo kế hoạch, hết năm 2019 sẽ phải xây dựng hoàn thiện hệ thống phân phối nước sạch cho 7 xã của huyện Sóc Sơn, hết 2020 sẽ hoàn thiện nốt cho 11 xã còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ hệ thống đường ống nào được lắp đặt tại 18 xã này.
Thông tin tới báo chí, Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn thống kê, từ tháng 1-2018, chủ đầu tư đều đặn gửi báo cáo tiến độ hàng tháng nhưng thực tế tiến độ thi công công trình chậm. Ngoài ra, đến đầu năm 2020, đường ống truyền dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đuống cũng chưa được lắp đặt để cấp nước trên địa bàn huyện, dẫn đến người dân Sóc Sơn chưa được sử dụng nước sạch.
|
Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng đến giờ vẫn thi công dang dở nên không thể đảm bảo công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Hạ Vũ |
Liên tiếp chậm tiến độ
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân giai đoạn đến năm 2020 – 2030 và để giảm tải áp lực khai thác nguồn nước ngầm theo định hướng quy hoạch Thủ đô đến năm 2020 – 2030, Cty CP Nước mặt sông Hồng đã được thành lập để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng bởi ba pháp nhân gồm Cty Nước sạch Hà Nội, Cty CP Thành Long và Cty CP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội.
Nhà máy nước mặt sông Hồng được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng với diện tích 21,1 ha, có chiều dài 28,1 km, được đầu tư với số vốn 3.692 tỷ đồng với công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000 m3/ngày đêm; Giai đoạn II (2030) là 450.000 m3/ ngày đêm đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng bao gồm: đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc QL 32 (thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng). Ngoài ra hệ thống tuyến ống truyền dẫn cấp nước của Dự án theo Quy hoạch có đảm bảo sự kết nối mạng vòng và an toàn cấp nước giữa phạm vi phục vụ của các NMN, trong đó có hỗ trợ cấp nước cho khu vực huyện Hoài Đức.
Tuy nhiên, đến thời điểm này nhà máy vẫn đang được xây dựng, điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể đảm bảo công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000m3/ngày đêm. Theo lãnh đạo UBND xã Liên Hồng, dự án bắt đầu thu hồi mặt bằng từ năm 2015 nhưng vướng một số mộ của dân. Dù vậy, mặt bằng sạch cho dự án được bàn giao từ giữa năm 2018, còn tiến độ tới nay ra sao, xã không nắm được. Từ tháng 12-2019 cho đến thời điểm này, có mặt tại công trường, chúng tôi thấy tiến độ thi công rất chậm, thậm chí thời điểm tháng 4-2020, tường bao quanh nhà máy chưa được xây xong.
Từ năm 2016 đến tháng 10-2019, TP Hà Nội đã có 5 dự án cấp nước nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn hiện nay đạt 1,52 triệu m3/ngày đêm, tăng 632.000 m3/ngày đêm so với năm 2016. Tuy nhiên, nguồn cấp này vẫn chưa thể phủ kín để người dân toàn TP được sử dụng nguồn nước mặt. Theo đại diện Sở xây dựng Hà Nội, hiện khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội gồm 4 huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai và Mỹ Đức, với 250 nghìn hộ dân, tương đương khoảng 1 triệu nhân khẩu vẫn chưa có hệ thống cấp nước đô thị.
Để giải quyết bài toán nước sạch, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào hoạt động 4 dự án cấp nước gồm: Dự án vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Nước mặt sông Đuống do Cty CP Nước mặt sông Hồng đầu tư; Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II do Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) là chủ đầu tư; Dự án nâng công suất Nhà máy nước Ba Vì từ 10.000 m3/ ngày đêm lên 60.000 m3/ ngày đêm đang được Liên danh Cty CP Ao vua - Cty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì phấn đấu hoàn thành trong năm 2020; Dự án xây dựng Nhà máy nước 25.000 m3/ ngày đêm cấp nước cho 12 xã của huyện Mê Linh do Cty CP Cấp nước Mê Linh cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2020.