Hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đã có ý kiến, trao đổi tập trung vào những vấn đề trọng tâm liên quan đến công tác sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính.
Chiều 16/5, Tổ giúp việc xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai đã trao đổi các nội dung liên quan về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
 |
Tổ giúp việc xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai đã trao đổi các nội dung liên quan về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe thông báo nội dung định hướng nguyên tắc, quy trình xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; phương án dự kiến sắp xếp cơ quan, đơn vị cấp tỉnh khi thực hiện sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bình Phước; phương án sắp xếp tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai và Bình Phước; dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính trên địa bàn cấp huyện khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo dự kiến phương án sắp xếp cơ quan, đơn vị cấp tỉnh khi sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Nai mới có 14 tổ chức. Số lượng phòng chuyên môn thuộc sở giảm từ 173 phòng, chi cục còn 88. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở từ 167 đơn vị còn 139.
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai mới dự kiến có 11 đơn vị, giảm được 6 đơn vị. Số lượng quỹ tài chính của UBND tỉnh Đồng Nai mới có 7 tổ chức. Tỉnh Đồng Nai mới sẽ có 15 tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Số lượng doanh nghiệp nhà nước tỉnh Đồng Nai mới có 7 doanh nghiệp, giảm 1 doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Định cho biết, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của 2 tỉnh bàn thảo tại buổi làm việc, Cơ quan thường trực và Tổ giúp việc sẽ tiếp thu, căn cứ vào quy định, nghị quyết của trung ương để bổ sung, hoàn thiện các phương án, đề án, giúp các đơn vị nghiên cứu, từ đó xây dựng phương án, đề án của đơn vị mình.
Để làm rõ và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổ giúp việc xây dựng đề án đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhà nước của 2 tỉnh phối hợp chặt chẽ để khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo nội dung định hướng đã thống nhất.
Đề nghị giám đốc các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của 2 tỉnh khẩn trương phối hợp để thống nhất đề xuất số lượng các đầu mối, đơn vị sự nghiệp công lập, chi nhánh khu vực để đảm bảo đồng bộ về phạm vi địa lý quản lý giữa 2 địa phương sau khi sáp nhập.