Với nhiều người thành công, sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Nó giúp nhiều người từ tốt trở nên vĩ đại, từ bình thường đã trở thành những doanh nhân, học giả nổi tiếng trong xã hội.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Đỗ Nhật Nam là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Sinh năm 2001, Đỗ Nhật Nam nổi tiếng với danh hiệu “thần đồng”, “dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam”. Cậu bé này còn xuất sắc dành học bổng trị giá 71 nghìn đô la tại Mỹ khi em mới bước vào tuổi 14. Đằng sau nỗ lực ấy, sách là một công cụ lớn để Nam vươn mình ra thế giới.
Nhật Nam luôn dành cho sách một tình yêu đặc biệt. Từ bé, Nam đã thích đọc sách về tin học, xã hội, chính trị và khoa học. Vì thế, trong căn phòng của em, sách luôn chiếm diện tích lớn. Em có một tủ “tài liệu mật” lưu giữ những quyển sách quý mà mình vô cùng ưa thích.
Những cuốn sách trở thành nền tảng nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ cho Đỗ Nhật Nam. Bởi vậy, bất cứ ai tiếp xúc với Nam một lần đều thấy được sự thông minh, nhanh nhẹn trong từng câu trả lời của em. Mặt khác, sách cũng giúp tư duy mạch lạc và nâng cao khả năng ngôn ngữ. 7 tuổi, em trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, 11 tuổi là người viết truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản. Em có trên 10 đầu sách viết và dịch thuật đã được xuất bản.
Trong thời gian du học Mỹ, Nam được biết đến là người duy nhất đọc hết toàn bộ sách tại thư viện trường. Theo chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ của Nam: “Năm đầu sang Mỹ, thời tiết mùa đông rất lạnh. Trong thời gian ấy, nhà trường thấy thương quá mới mở cửa thư viện cho Nam vào ngồi. Đó cũng là “bước nhảy vọt” của Nam so với thời kỳ ở Việt Nam.”
|
Đỗ Nhật Nam tự tin diễn thuyết với vốn kiến thức học từ sách. |
Quá trình học tập ở Mỹ của Nam nhận được nhiều thành tích đáng nể. Cậu bé nhận được thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Barack Obama; Hàng loạt bằng khen từ các cuộc thi và hoạt động ở Trường St. Paul The Apostle như: Bằng khen đạt thành tích xuất sắc ở môn Hình học và Đại số, Bằng khen của Trung tâm đào tạo tài năng trẻ John Hopkin, Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đội diễn thuyết Trường Saint Paul the Apostle…
“Vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ
Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”. Ít ai biết, Đặng Lê Nguyên Vũ vốn là sinh viên y khoa. Ông theo học ngành Y được 6 năm, trước khi bắt đầu cái duyên của mình với cà phê Việt.
Một trong những bí quyết để Đặng Lê Nguyên Vũ có thể đạt được những thành công là đọc sách. Với ông sách là hành trang không thể thiếu, là thứ góp phần thay đổi cuộc đời của một con người.
Người ta kể từ nhỏ Đặng Lê Nguyên Vũ đã rất mê đọc sách. Khi sống với bà ngoại tại Khánh Hòa, bà ngoại sợ cháu mình thức khuya quá, bắt cháu ngủ sớm, ông Vũ đã chui vào chăn đốt đèn dầu đọc sách, sớm ra hai lỗ mũi đen kịt vì khói.
Thời trẻ, ông Vũ thích đọc sách về doanh nhân, ý tưởng kinh doanh. Trong thời gian tự giam mình ở M’Drăk để thiền, ông Vũ đọc từ kinh dịch tới sách về danh nhân thế giới. Trong tủ sách của ông “vua cà phê Việt” có nhiều sách về các nhà khoa học, cùng luận thuyết thiên văn, vật lý, các Kinh Thánh, Kinh Phật, Tin lành, sách về các danh nhân, sách về các quốc gia phát triển, các lý thuyết, học thuyết,… Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng góp công dịch và ghi lời đề tựa cho cuốn “Quốc gia khởi nghiệp”, cuốn sách viết về nguyên nhân thành công của người Do Thái ở đất nước này.
|
Đặng Lê Nguyên Vũ rất khuyến khích giới trẻ Việt đọc sách |
Thành công từ những cuốn sách, Đặng Lê Nguyên Vũ còn mang trong mình nỗi niềm đau đáu: Làm sao để người trẻ Việt đọc sách nhiều hơn? Tâm huyết với mong muốn Việt Nam có thể vươn mình lớn mạnh như quốc gia Israel, Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu việc truyền lửa cho các bạn trẻ với việc đưa những cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu đến với thanh niên.
Từ năm 2012, ông chủ Hãng cà phê Trung Nguyên đã thực hiện chương trình “Đổi đời từ sách” với hàng loạt bản in của: Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Đắc nhân tâm dành tặng cho thanh niên cả nước. Đây đều là những cuốn sách Đặng Lê Nguyên Vũ tâm đắc và xuất phát từ khao khát “đổi đời” cho quốc gia nhờ sách.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Phạm Nhật Vượng cũng là một trong những doanh nhân ham đọc sách. Tỉ phú USD số một Việt Nam chia sẻ, sách là công cụ hiệu quả để giáo dục nhân cách và kỷ cương con người. Ông tiết lộ rằng ngày nhỏ thường thích sử, đọc sách sử. Phạm Nhật Vượng gần như đọc và thuộc hết sách sử thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Nhưng khi lớn lên thì chuyển dần sang các loại tiểu thuyết, còn bây giờ là sách quản trị và sách công nghệ.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng có cách đọc khác người. Là một người bận rộn, ông thường xem mục lục, xem mục nào hay thì đọc, cái nào mà không hiểu hoặc thấy quan trọng thì có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.
Sách cũng trở thành hệ quy chiếu cho văn hóa, nguyên tắc làm việc của Tập đoàn Vingroup. Trong đó cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great) của tác giả Jim Collins - một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại Trường Stanford Business School, đã được ông Vượng đem ra giảng nhiều lần cho nhân viên, cũng như tặng cho các cán bộ của mình. Đây cũng là một trong 20 tác phẩm về quản trị kinh doanh kinh điển có ảnh hưởng nhất thế giới trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes.
|
Cuốn sách tôn vinh văn hóa kỷ luật Phạm Nhật Vượng yêu thích. |
Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà quản trị thành công trên thế giới. Sở dĩ cuốn sách này được ông Vượng yêu thích là bởi trong đó có tinh thần kỷ luật, tư tưởng kỷ luật. Theo đó, văn hóa kỷ luật phải bắt đầu từ những con người kỷ luật, các công ty vĩ đại tuyển dụng những con người có kỷ luật và không cần phải được quản lý, sau đó họ quản lý hệ thống chứ không quản lý con người. Đây gần như trở thành văn hóa của Vingroup.
Xu thế đọc sách của những người thành công
Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điểm chung giữa những người giàu có, thành công là họ biết cách tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett đều là những người đọc sách rất chuyên cần.
Warren Buffet ước tính rằng 80% thời gian ngày làm việc của ông được dành cho việc đọc và suy ngẫm. Thời kỳ bắt đầu khởi nghiệp, nhà đầu tư tài ba này thường đọc 600 – 1.000 trang sách mỗi ngày. Với ông, đọc tối thiểu 500 trang sách mỗi ngày là cách tiếp nhận kiến thức. Nó cứ tăng dần lên như một thứ lãi suất kép. Lời khuyên của Buffett dành cho mọi người: “Dù cho bạn ở giai đoạn nào của cuộc đời, không ngừng học hỏi và bạn sẽ thành công”.
Hay Bill Gates luôn dành mục tiêu cho việc đọc sách. Ông coi việc đọc sách là thói quen không thể bỏ mỗi ngày và đặt ra những quy tắc riêng cho mình như: Đặt ra thời gian đọc sách hàng ngày, hoàn thành một cuốn sách và ghi chép khi đọc chúng…
Một sự thật thú vị rằng, Elon Musk từng khiến rất nhiều người ngạc nhiên khi chia sẻ bản thân tự học cách chế tạo thuốc nổ, làm ra tên lửa nhờ vào việc chăm chỉ… đọc sách. Thậm chí ông còn nghĩ ra được cách để cải thiện giúp giảm chi phí khi sản xuất ra tên lửa.
Nhìn chung, đọc sách không chắc sẽ giúp chúng ta thành đạt trên đường đời, nhưng không có nó, mỗi con người chúng ta trở nên khô cằn, thế giới nội tâm bớt những cái nhìn lấp lánh. Đặc biệt, khi mà chúng ta đang chịu sự chi phối quá nhiều của hàng loạt mạng xã hội, câu chuyện, tin tức trên Internet, việc đọc sách càng trở nên thiết yếu hơn, để đưa con người về trạng thái cân bằng, chọn lọc tri thức.