Cổ phần hóa (CPH) giúp minh bạch thông tin doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào sau CPH cũng có được những chuyển đổi tích cực, điều này làm dấy lên những nghi ngại về mục đích CPH doanh nghiệp liệu có phải là thâu tóm “đất vàng”.
Chuyên trang Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) sẽ gửi đến quý bạn đọc Chuyên đề với loạt bài viết "Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa những tồn tại, thách thức và giải pháp" nhằm gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước những vấn đề tồn tại và giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề "hậu" CPH doanh nghiệp Nhà nước.
BÀI 1: DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU CỔ PHẦN HÓA, NƠI LÃI ĐẬM - CHỖ LẸT ĐẸT
Mục tiêu của CPH doanh nghiệp là khiến cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, người lao động có cuộc sống khấm khá hơn, phát huy tối đa tiềm lực doanh nghiệp.
Ai Ai cũng kỳ vọng sau khi CPH, công ty phải tạo thêm được công ăn việc làm, tạo ra nhiều của cải vật chất, chăm lo tốt hơn cho đời sống cán bộ, người lao động, tạo ra hàng hoá và dịch vụ có chất lượng cao hơn với giá thấp hơn cho người tiêu dùng trong nước.
Nhưng… thực tế cho thấy có điều ngược lại với đa số kỳ vọng kể trên.
Có thực trạng, nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước chỉ chăm chăm nhắm tới giá trị bất động sản, ngắm vào những khu đất có vị trí đắc địa của doanh nghiệp Nhà nước hơn là đầu tư vào thương hiệu, phát triển doanh nghiệp.
Khi đã “chi phối” được doanh nghiệp thì tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh kiếm lời, tạo ra lợi nhuận, chứ không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hoạt động sản xuất kinh doanh như lời hứa ban đầu khi tham gia mua cổ phần doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những gạch đầu dòng kể trên chỉ là số ít, không thể đánh đồng tất cả những doanh nghiệp sau CPH làm ăn có lãi, hiệu quả kinh doanh tốt.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rõ, việc làm ăn lẹt đẹt một phần nguyên do khác xuất phát từ sau khi CPH, tại một số doanh nghiệp thì tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao nên hoạt động sau CPH chưa có thay đổi nhiều về quản trị điều hành cũng như hiệu quả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh “âm” sau khi CPH, hoặc “lẹt đẹt” năm lãi, năm lỗ… như một vài ví dụ dưới đây mà Pháp luật Plus sẽ đề cập.
HALICO - Sau CPH vẫn lỗ nặng dù sở hữu “đất vàng”
Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (HALICO) mới đây đã tiếp tục báo lỗ trong quý 3/2022, cũng là quý thứ 22 theo mạch thua lỗ của doanh nghiệp này. HALICO ghi nhận trong báo cáo tài chính (BCTC) vào thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm đạt gần 80 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ.
Tổng lỗ 9 tháng ghi nhận hơn 8 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể số lỗ gần 18 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2021. Xét riêng trong quý 3/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng, trong đó, doanh thu đến từ bán thành phẩm rượu là gần 19 tỷ đồng.
Quý 3/2022 HALICO vẫn lỗ hơn 1 tỷ do các chi phí khác tăng theo doanh thu, tuy nhiên, mức lỗ này đã nhẹ nhàng hơn so với quý 3 năm ngoái là 4 tỷ đồng.
Trở thành công ty CPH từ năm 2006, đến năm 2011 doanh nghiệp có một dấu mốc quan trọng khi Tập đoàn Diageo (Vương quốc Anh) đã chi ra trên 2.000 tỷ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần HALICO.
Tuy nhiên, sau năm 2012, HALICO thua lỗ nặng cho dù sở hữu nhiều đất vàng tại Hà Nội (Nhân Đồng, Lò Đúc, Lĩnh Nam) và khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu và hồ xử lý nước thải. Ngoài ra, Halico còn có đất tại Đà Nẵng và TP HCM. Tổng diện tích đất đai Công ty đang quản lý sử dụng lên đến gần 234 nghìn m2.
Khu đất vàng 94 Lò Đúc từng dính nhiều tranh cãi thì sau gần 10 năm vẫn “nằm im”. Sau khi ký kết với Diageo thì năm 2012 HALICO đã ghi nhận mức lãi tăng vọt lên 276 tỷ đồng mà phần lớn đến từ khoản đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội sang Bắc Ninh. Sau đó, khu đất này được thu hồi và giao cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó từng phát biểu, khu đất sẽ được dùng để xây dựng trường tiểu học, mẫu giáo và giao cho UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư. Đến nay, một phần khu đất đã được triển xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc). Tuy nhiên sau gần 10 năm, tổng thể dự án này vẫn chưa có dấu hiệu được thực hiện, cỏ vẫn mọc cao hơn đầu người bên trong khu đất.
Có thể nói, công ty Thiên Bình đã tận dụng sự không rõ ràng trong kế hoạch triển khai dự án để 2 lần thế chấp quyền tài sản phát sinh từ khu đất 94 Lò Đúc và lấy về hàng trăm tỷ đồng. Công ty Thiên Bình ký hợp đồng thế chấp lần 1 với một Ngân hàng thương mại cổ phần có Chi nhánh Bắc Ninh năm 2014 và lần 2 vào tháng 12/2018 tại một Ngân hàng thương mại cổ phần có Chi nhánh Hoàn Kiếm. Theo nội dung Hợp đồng thì Công ty Thiên Bình đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại số 94 Lò Đúc.
Khu đất số 94 Lò Đúc cũng liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh khi cựu Chủ tịch Đỗ Anh Dũng nắm giữ 99% cổ phần Công ty Thiên Bình (vào thời điểm 2018).
Cái tên Tân Hoàng Minh thì đã không còn lạ lẫm gì trên thị trường BĐS, đặc biệt là sau những bê bối bị phát giác trong năm nay. Dù chưa từng có đầy đủ giấy tờ pháp lý về dự án thế nhưng Tập đoàn Tân hoàng Minh đã quảng cáo, rao bán căn hộ cao cấp ở 94 Lò Đúc. Thời điểm đó, dự án xây chung cư cao cấp chưa được hình thành thì việc rao bán những căn hộ trên là “dự án ma”.
LILAMA gặp khó khăn liên tiếp sau CPH
Qua một thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng đã hoàn thành CPH thêm 7 Tổng Công ty, gồm: LILAMA, CC1, FICO, VNCC,COMA, IDICO, Sông Đà, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 14/16 Tổng Công ty. Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022 Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa tại 2 Tổng công ty là VICEM và HUD.
Trong số 7 doanh nghiệp này, không phải doanh nghiệp nào cũng "sống khỏe" sau CPH. Đáng chú ý, năm 2021 kết quả sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng như: VICEM, HUD, LILAMA, VIGLACERA, COMA, HANCORP, Sông Hồng đều bị ảnh hưởng. Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh ước đạt 58.300 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm 2021 và 93% cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 55.950 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm 2021, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.793 tỷ đồng, bằng 10,3% so với kế hoạch năm 2021, bằng 99% cùng kỳ năm 2020.
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) đã hoàn thành công tác CPH từ tháng 4/2016 với số vốn điều lệ là gần 797,3 tỷ đồng, trong đó, 97,88% là vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu tính tới năm 2022.
Nếu thời vàng son của LILAMA có những năm ghi nhận doanh thu lên tới hơn 20.000 tỷ đồng thì trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp tụt dốc không phanh và năm nay doanh nghiệp báo lãi quý 1/2022 chưa đầy 200 triệu đồng và con số này trong quý 2/2022 hơn 36 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2022 ở mức 255 tỷ đồng. Có thể thấy, dù doanh nghiệp có cải thiện trong quý 2/2022 thì con số vẫn chưa là gì nếu so sánh với thời hoàng kim.
Nguồn vốn cũng giảm 50% sau 5 năm, trong đó chiếm đa phần là nợ phải trả, luôn cao gấp nhiều lần lần vốn chủ sở hữu. Ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022, doanh nghiệp đang có gần 7.100 tỷ đồng tổng tài sản, nợ phải trả là hơn 6.000 tỷ, cao gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu (trong đó 99% là nợ ngắn hạn).
Thêm một điểm đáng chú ý nữa liên quan đến việc Nhà nước muốn rút bớt cổ phần, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, LILAMA nằm trong diện thoái vốn nhà nước về 51%. Lẽ ra phương án bán đấu giá cổ phần của Bộ Xây dựng đã được thực hiện cuối năm 2020, song do Nghị định 140/2020/NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020 nên việc thoái vốn đang phải chờ chỉ đạo mới.
Idico (IDC) báo lãi khủng trong quý III/2022, vượt mục tiêu sau 9 tháng
Trái ngược với 3 doanh nghiệp nên trên, Tổng Công ty IDICO - CTCP ghi nhận doanh thu đạt 7.034 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế tăng 4,4 lần lên 2.365 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.104 tỷ đồng, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, IDC đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 là 3.347,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.333,1 tỷ đồng, như vậy, chỉ sau 9 tháng IDC đã thực hiện được 210% mục tiêu doanh thu và 128% mục tiêu lợi nhuận năm.Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 10,7% xuống 9.863 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 45% xuống 797 tỷ đồng.
Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2026 mà IDICO đã trình ĐHCĐ 2022, IDC có kế hoạch phát triển quỹ đất 2.500 ha tại các tỉnh Tiền Giang, Hải Phòng, Hưng Yên. Trong đó, các khu công nghiệp phía Bắc dự kiến phát triển từ 1.000- 1.200 ha và các khu công nghiệp phía Nam đạt 500-1.000 ha, trong đó KCN Tân Phước 1 (Tiền Giang) với diện tích 300 ha, mở rộng KCN Mỹ Xuân 1 dự kiến 110-500 ha. Tổng diện tích dự kiến được cấp chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến đạt 1.400 ha. SSI Research nhận định rằng, nhu cầu thuê đất KCN sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục.
Ngoài ra, IDC sẽ phát triển 8 dự án bất động sản dân dụng trong giai đoạn 2022-2026 với tổng diện tích đất đạt khoảng 52 ha bao gồm các dự án như CONAC Plaza (Bà Rịa – Vũng Tàu), Mỹ Xuân B1 Residence (Bà Rịa – Vũng Tàu), IDC office (Cần Thơ), KDC Hiệp Phước (Đồng Nai), KDC QL1K (Đồng Nai), Khu nhà ở công nhân Nhơn Trạch 1, 2 (Đồng Nai), KDC Bắc Châu Giang (Hà Nam) và khu nhà ở công nhân Hựu Thạnh (Long An).
(Còn tiếp)
Tags: