Theo dự thảo Đề án, mục tiêu đến năm 2030: 100% các cơ sở giáo dục Đại học (GDĐH), GDNN đưa khởi nghiệp sáng tạo vào mục tiêu sứ mệnh, tầm nhìn của đơn vị; 100% các cơ sở GDĐH, GDNN, GDPT có chương trình truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho HS, SV; Ban hành tiêu chuẩn về cán bộ tư vấn, hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp; Chỉ số kỹ năng SV của Việt Nam vào tốp 50 thế giới.
3 dự án của học sinh THCS, THPT được triển khai và có doanh thu
Báo cáo tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đề án hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025 và định hướng xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2026 – 2035”, đại diện Vụ HS, SV – Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2017 – 2025, đã có 100% các cơ sở GDĐH), cơ sở GDNN có kế hoạch triển khai Đề án.
Trong đó, 43,5% cơ sở GDĐH thành lập Trung tâm Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp.
100% các sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, triển khai Đề án. Từ năm 2020 – 2024, có khoảng hơn 33.800 dự án.
Trong đó, số lượng các dự án khởi nghiệp của HS THCS, THPT đạt 8.700 dự án.
![]() |
Vụ trưởng Hoàng Đức Minh thông tin tại hội thảo. |
Có xấp xỉ 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở GDĐH ươm tạo từ năm 2020 đến nay.
Có 3 dự án của học sinh THCS, THPT đã được triển khai tại cộng đồng và bước đầu có doanh thu.
Dù đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, nhưng trên thực tế, triển khai Đề án vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách, hạn chế nguồn lực, nguồn vốn, hạn chế năng lực đội ngũ, khó khăn tiếp cận thị trường, nội dung đào tạo chưa sâu, thiếu cơ chế kết nối doanh nghiệp…
Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều giải pháp
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã tham gia tham luận, thảo luận, góp ý, trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đề án đến thời điểm này, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikka Nguyễn Phú Khánh cho biết, trong 3 năm qua, nhà trường đã có trên 5.000 lượt SV tham gia các hoạt động liên quan tới đổi mới sáng tạo.
Nhà trường luôn chú trọng tổ chức khen thưởng định kỳ nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp trong SV.
Bàn về vai trò của doanh nghiệp trong triển khai Đề án, Giám đốc Khối hợp tác doanh nghiệp, BK Holdings Hứa Thùy Trang cho rằng, các trường Đại học cần mở rộng kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty, tập đoàn công nghệ để phát triển các nghiên cứu sát thực tiễn, tăng khả năng hiện thực hóa các nghiên cứu của nhà khoa học và sinh viên thành sản phẩm, dịch vụ hữu ích để thương mại hóa.
Kết thúc hội thảo, Vụ trưởng Vụ HS, SV – Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh đánh giá cao và tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu tham dự.
Các ý kiến đã đề cập đến các vấn đề, giải pháp từ tổng thể đến chi tiết, quan trọng, đặc biệt là chủ thể đề án, thể chế, chính sách, hệ sinh thái khởi nghiệp, mô hình triển khai, kết nối doanh nghiệp,…
Vụ trưởng Hoàng Đức Minh mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà trường, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong quá trình phát triển Đề án thời gian tới.