Tháng Giêng được xem là tháng cầu an giải hạn, cầu điều tốt lành trong năm mới. Nhưng vì thiếu hiểu biết mà không ít người cuồng tín tới mụ mị.
|
Ảnh minh họa. |
GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng, vấn đề dâng sao giải hạn đã tồn tại trong xã hội Việt Nam hàng ngàn năm nay, nên nhu cầu dâng sao giải hạn hiện nay của người dân là nhu cầu chính đáng về tôn giáo tín ngưỡng cũng như giải quyết các yếu tố tâm lý con người.
Song, theo GS Thịnh, hiện tại, một số người dân đang dâng sao một cách u mê tạo ra những hiệu ứng không tốt, thành vấn nạn nhức nhối của xã hội.
“Phật giáo khuyên răn con người tích đức với luật nhân quả, luôn hồi. Tức là mọi nghiệp đều do sự tu tâm, cách hành xử của con người trong xã hội chứ không phải làm điều xấu rồi dâng sao giải hạn là an tâm, thoát luật nhân quả. Nhận thức sai lầm này ảnh hưởng nhiều tới việc duy trì thiện căn trong giáo lý nhà Phật, tạo tâm lý đám đông “mặc cả” với thần linh”, GS Thịnh phân tích.
Cũng theo GS Thịnh, việc người dân tràn ra đường bên cạnh các đình, chùa tổ chức dâng sao giải hạn cũng là một biểu hiện của sự thiếu nhận thức dẫn tới cuồng tín.
“Một nghi lễ có thể giải hạn cho hàng ngàn người cùng lúc là không đúng. Vì theo Kinh dịch, không phải sao nào cũng xấu. Việc xấu, tốt của các sao còn do mệnh của từng người. Ví như sao Thái Bạch mọi người đều mặc định là xấu, nhưng với người mệnh Kim, sao Thái Bạch là tốt”.
Cũng đồng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, về bản chất, dâng sao giải hạn vẫn là một lễ cầu an.
Theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa. Phúc, họa của con người là do nghiệp báo dắt dẫn mà thành.
Nghiệp do con người tạo ra và cũng nhờ đó mà thành họa, phúc. Nếu chúng ta làm nhiều việc thiện thì sẽ nhận được phúc, còn ngược lại sẽ nhận quả báo.
Luật nhân quả cứ như vậy mà ứng vận vào con người chứ có liên quan gì đến sao tốt hay sao xấu. “Nếu cứ dâng sao mà giải được hạn thì thiên hạ đã vô sự rồi”, sư thầy nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, trong văn hóa các tộc người, tập tục cầu việc tốt, tránh việc xấu như dâng sao giải hạn là chuyện thường.
Sinh hoạt tín ngưỡng cũng là quyền công dân, không ai có thể áp đặt. Song, việc điều chỉnh cách thức thực hành sao cho đúng, hay để phong tục không trở thành hủ tục là điều mỗi người dân nên cẩn trọng tìm hiểu và thay đổi.
Cũng theo TS Tuấn, các nghi lễ của đạo giáo thường mang tính tượng trưng đơn giản nên người dân không cần phức tạp trong việc sinh hoạt tín ngưỡng. Thay vì những đồ lễ đắt tiền, người dân chỉ cần dâng hương hoa tỏ lòng thành.
“Bên cạnh đó, dâng sao giải hạn không phải là đầu năm lên đình, chùa dâng một lần là xong. Thay vào đó, mỗi thàng một lần tùy vào sao chiếu mạng, người dân bày một mâm cúng tại nhà, ở ngoài trời với hoa trái theo mùa” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ.