Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung, các chuyên gia và người dân cho rằng đây là một quyết định đúng đắn.
Người dân “méo mặt” vì trụ sở nghìn tỷ
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung (sau đây gọi là trung tâm hành chính) theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung.
|
Tỉnh Khánh Hòa đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi đó tỉnh này vẫn còn xấp xỉ 3% số dân là hộ nghèo. |
Nhìn vào số tiền các tỉnh, thành xin để xây trụ sở bất cứ người dân nào cũng “méo mặt”. Đơn cử như: Hải Phòng (10.000 tỷ đồng); Khánh Hòa (hơn 3.000 tỷ đồng); Nghệ An (hơn 2.100 tỷ đồng); Hà Tĩnh (khoảng 2.000 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, mới đây, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình này.
Yêu cầu trên của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Chị Quản Thị Xuân (Hà Nội): “Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính là hoàn toàn hợp lý. Dân chúng tôi còn nghèo, xây dựng trụ sở nghìn tỷ để làm gì?".
Chị Trần Ngọc Bích (Hà Nội): “Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng trung tâm hành chính mới cũng có nhiều lợi ích bởi lẽ hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương chủ yếu phân tán”.
Theo đó, nhiều trung tâm hành chính của địa phương được xây dựng. Vì lẽ đó mà việc xây dựng trung tâm hành chính mới là hết sức cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý.
Bạn Hà Thị Dân, sinh viên trường Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ: Theo tôi thì quyết định này của Thủ tướng chính phủ hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và phù hợp với tình hình nước ta hiện nay, chắc chắn người dân sẽ rất vui mừng.
Có một thực trạng đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố xây dựng trụ sở hoành tráng nhưng hiệu quả công việc không biết đến đâu. Trong khi nhiều nơi, người dân còn chịu nhiều khó khăn, đất cho trường học, bệnh viện không có, ngân sách không đủ để tăng lương,...
Chị Nguyễn Minh Hương (Thanh Hóa): Việc giải phóng mặt bằng để làm khu trung tâm đã là điều khó khăn nhưng những đơn vị hành chính mới xây lại bỏ đó để di dời đến trung tâm hành chính tập trung khác lại càng bất hợp lý hơn. Hơn nữa, việc xây dựng khu trung tâm hành chính cả nghìn tỷ liệu có thiết thực không khi mà cả 4 năm nay người lao động không được tăng lương?
Anh Hoàng Hữu Mỹ (Hà Nội): Chính phủ có quyết định dừng xây dựng khu trung tâm hành chính trong bối cảnh hiện nay là khá hợp lý. Bởi, tình hình ngân sách Nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn và tiếp tục khó khăn trong những năm tới.
“Bầu sữa” ngân sách hạn hẹp
Trong 2 năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước. Trước bối cảnh tình hình kinh tế như hiện nay việc Chính phủ đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung sẽ khiến cho dư luận xã hội rất quan tâm bởi mức vốn đầu tư từ ngân sách cho dự án với quy mô nghìn tỷ là quá lớn.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Trong khi ngân sách Nhà nước đang khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều hạn chế, nợ nước ngoài còn ở con số khủng, việc tăng lương tối thiểu trở nên xa vời... thì lại đua nhau xây dựng trụ sở ngàn tỷ là hoàn toàn không phù hợp.
Việc sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị đã được pháp luật quy định rõ ràng tại Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào khả năng ngân sách, tổng diện tích nhà làm việc hiện có, tổng biên chế, hợp đồng làm việc không có thời hạn, chức danh được duyệt của các cơ quan, đơn vị và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc quy định tại quyết định này để quyết định việc xây dựng trụ sở làm việc cho từng cơ quan, đơn vị.
Bàn về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Công Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Việc xây dựng trung tâm hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính xét về góc độ nào đó là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, nguồn vốn ngân sách gần như cạn kiệt, nợ công tăng cao, thu không bù được chi, nếu bỏ một lúc hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm hành chính là điều không phù hợp, sẽ không nhận được sự đồng tình của số đông người dân.
Thực tế, mặc dù nền kinh tế được đánh giá là đang phục hồi nhưng tình hình ngân sách Nhà nước đang hết sức khó khăn và tiếp tục khó khăn trong những năm tới.
Chính phủ đã phải vay nợ rất nhiều với một khối lượng ngoại tệ không nhỏ. Chính vì thế mà việc tăng lương cho đội ngũ công chức đã phải chậm lại. Và gần đây, cụm từ “phải thắt lưng buộc bụng”, “cắt giảm chi tiêu công”… liên tục được nhắc đến…đã làm nóng nghị trường Quốc hội cũng như trong dư luận.
Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây là việc chưa nên quyết định vội vàng trong thời điểm hiện tại.