Thắp đèn xuyên đêm
Nhiều năm nay, nhờ mô hình trồng hoa cúc phục vụ cho Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đã có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế không ngừng cải thiện. Sau đại dịch, kinh tế tại các địa phương năm vừa qua có nhiều khởi sắc.
Nắm bắt cơ hội đó, nhiều hộ dân tại Quảng Phú trồng cúc chậu bán Tết đã mạnh dạn tăng số lượng để phục vụ thị trường Tết đầy tiềm năng. Gia đình ông Vũ Trung Kính (ngụ TDP 4, thị trấn Quảng Phú) đã tăng số lượng chậu từ 400 vào năm ngoái lên 600. Trong đó chủ yếu là chậu cúc có đường kính 55cm và 70cm. Ông Kính tin tưởng giá thành 2 loại chậu này phù hợp với đa số kinh tế người dân ở các địa phương.
Theo thường lệ, cứ khoảng tháng 10 đến tháng 11 (Âm lịch) hàng năm, người trồng hoa cúc lại tất bật tạo tán, thắp đèn đêm (màu vàng), tỉa nụ để cây phát triển theo đúng định hướng. Đây được coi là giai đoạn quyết định chất lượng sản phẩm. Hiện, nhiều hộ gia đình đã thực hiện xong kỹ thuật ngắt ngọn và phủ lưới. Người dân đang tăng thời gian thắp đèn lên 8 đến 9 tiếng/đêm, để cây sinh trưởng nhanh, liên tục.
Còn ông Võ Đình Chuận (ngụ đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Quảng Phú) tâm sự: “Nhận thấy lợi nhuận từ cúc Tết cao nên tôi quyết định trồng thử nghiệm năm đầu tiên. Siêng năng, tỉ mỉ, chịu khó là yếu tố tiên quyết để trồng thành công cúc chậu. Thêm vào đó, cần hiểu rõ đặc tính và kỹ thuật chăm sóc cây. Người trồng phải thường xuyên theo dõi thời tiết và giám sát quá trình phát triển của cây, từ đó phát hiện sớm các loại bệnh để có hướng xử lý đúng, phù hợp”.
Kỳ vọng thị trường Tết
Anh Nguyễn MinhTuấn (ngụ TDP 5, thị trấn Quảng Phú) là một trong những người đầu tiên trồng hoa ở địa phương. Hiện, vườn hoa của anh có tới 1.000 chậu cúc phục vụ Tết Nguyên đán. Trong vườn có nhiều kích thước chậu để phục vụ nhu cầu và sở thích khác nhau của thị trường.
Với 7 năm kinh nghiệm trồng cúc chậu bán Tết, thường xuyên cập nhật khoa học kỹ thuật, chất lượng cúc trong vườn anh Tuấn luôn đạt chất lượng tốt và được nhiều thị trường săn đón. Anh Tuấn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm: Thời điểm trồng cúc tùy thuộc vào kích thước chậu và đặc tính giống, khoảng cách giữa các cây từ 3 - 5cm. Trồng thưa thì ngắt ngọn 2 lần, lần đầu khi cây cao khoảng 20 – 25cm, lần 2 khi cây cao 30 – 40cm, còn dày thì ngắt ngọn 1 lần khi cây đạt khoảng hơn 2 tháng. Ngay khi xuống giống được 1 tuần thì bắt đầu thắp đèn cho cây, ngày thắp khoảng 9 - 10 tiếng, khi cách ngày bán khoảng 50 - 55 ngày thì ngưng thắp. Sau khi cây ra nụ thì tiến hành cắt tỉa, mỗi cây chỉ để 1 nụ to, đẹp nhất. Kỹ thuật này giúp hoa nở to và đồng đều.
Hiện, vườn hoa anh Tuấn đang thực hiện việc cắm tăm tre xung quanh chậu, phủ lưới và ngắt ngọn, để tạo tán, sinh nụ và định hình cây phát triển theo ý muốn, không bị gió quật đổ. Do thời điểm này cây phát triển nhanh và mạnh nhất, nếu không thực hiện kỹ thuật trên hoa sẽ phát triển không đều, không đạt hình dáng, ảnh hưởng đến chất lượng hoa.
Mỗi vụ hoa Tết, hộ gia đình anh Tuấn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 người dân địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ cho thu nhập khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng. Hiện, vườn cúc Tết của gia đình anh Tuấn đã được thương lái đến từ nhiều tỉnh, thành đặt hàng.
Tuy nhiên, anh Tuấn cũng lo lắng: “Dù sản phẩm hoa đưa ra thị trường rất chất lượng, nhưng giá thành thì không thể lường trước được. Thôi thì cứ chăm cho vườn hoa của mình thật tốt đã, biết đâu ông trời không phụ lòng người. Nhưng tôi cũng giống như bao chủ vườn khác, đều hy vọng năm nay thị trường hoa Tết sẽ được giá, có như vậy người trồng hoa mới có thêm động lực để gắn bó với nghề”.