Theo phản ánh của bà Vũ Thị Năng (SN 1985, ngụ Đắk Lắk), gia đình bà bị chính quyền xã thu hồi đất mà không bồi thường cho bà theo quy định pháp luật. Hơn 30 năm qua, gia đình bà đã làm đơn khiếu nại, gửi các các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương, nhưng vẫn không được giải quyết.
Thu hồi đất có chủ quyền của dân, không đền bù
Bà Vũ Thị Năng (SN 1958, ngụ tổ 2, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, vào năm 1963 gia đình bà khai phá khu đất khoảng 3000m2 tại khu 3, Chi Lăng, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột (nay là phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) để làm nhà ở và trồng hoa màu, cây ăn trái. Cuối năm 1977, gia đình ông Nguyễn Quang Minh và bà Nguyễn Thị Đông ở nơi khác chuyển đến đây sinh sống và được gia đình bà Năng cho ở canh tác trên thửa đất mà gia đình bà đã khai phá từ năm 1963.
Đến năm 1982, bà Năng lập gia đình và ra ở riêng thì được ông Minh và bà Đông nhượng lại một phần đất trên diện tích đất 3000m2 trước đây của gia đình bà khai phá. Khi đó gia đình bà có cất một căn nhà rộng khoảng 60m2 để bán hàng tạp hóa cùng khoảng 140m2 đất làm bếp, giếng nước và sân vườn.
Nhưng theo bà Năng, năm 1985, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân (nay là phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) bất ngờ tiến hành thu hồi đất và căn nhà của gia đình bà, sau đó mở sạp cho thuê kinh doanh mà không có văn bản, quyết định thu hồi theo quy định pháp luật.
|
Văn bản của UBND P. Khánh Xuân năm 2013 nêu: “Nguồn gốc thửa đất của bà Năng là nhận chuyển nhượng của bà Đông và ông Minh”. |
Nhận thấy việc làm chợ và mở cửa hàng mua bán của ông Chủ tịch xã Hòa Xuân lúc bấy giờ là không đúng với quy định của pháp luật, gia đình bà Năng làm đơn khiếu nại đến các cơ quan hữu quan. Bà Năng cho biết: “Khi đó chính quyền địa phương đã không xem xét giải quyết việc khiếu nại của gia đình chúng tôi. Ông Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân còn đưa cả gần trăm người, vừa cán bộ, vừa du kích dùng súng ống cưỡng ép gia đình chúng tôi ra khỏi nhà. Rồi họ sử dụng xe ủi tới ủi hàng rào, cây cối, hoa màu, bếp… của gia đình chúng tôi và cưỡng ép gia đình chúng tôi tháo nhà để giao đất cho ủy ban. Sau khi tháo gỡ nhà, gia đình chúng tôi phải đi ở nhờ người này người kia để sống qua ngày” .
Theo bà năng, việc UBND xã Hòa Xuân thu hồi đất của gia đình bà lúc đó, không thực hiện theo bất kỳ một chủ trương hay giấy phép nào .
Nhiều văn bản của chính quyền địa phương bất nhất
Tại Công văn số 12/TL-CV ngày 10/01/1997 của Sở địa chính Đắk Lắk về việc “Sở địa chính trả lời chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh kỳ Họp thứ VI HĐND tỉnh khóa V”, trong văn bản này xác nhận rất rõ nguồn gốc đất của bà Vũ Thị Năng và bà Phạm Thị Sen (mẹ bà Năng) có đoạn: “Bà Phạm Thị Sen (mẹ bà Năng) cư ngụ tại thôn 2, xã Hòa Xuân (nay là phường Khánh Xuân, TP. BMT). Gia đình bà Sen có một lô đất thổ cư diện tích khoảng 3000m2, khai phá từ năm 1963. Sau giải phóng năm 1975, bà Sen sử dụng khu đất này trồng mía và hoa màu. Đến năm 1977 bà Sen có cho hai hộ gia đình là ông Nguyễn Quang Minh và bà Nguyễn Thị Đông ở nhờ trên lô đất vì cả hai hộ không có nơi ở. Việc cho mượn đất này không có giấy tờ nhưng cá nhân ông Minh và bà Đông đều thừa nhận. Năm 1981, bà Đông có nhượng lại cho bà Vị 120m2 đất vườn (trên đất mượn của bà Sen) để làm đất ở. Năm 1982 ông Minh, bà Đông nhượng lại cho bà Vũ Thị Năng 60m2 đất để làm nhà ở cũng trên phần đất 3000m2 của bà Sen”.
Còn tại Công văn số 55/BC-UBND ngày 19/8/2013 của UBND phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột về việc “Báo cáo theo nội dung đơn của bà Vũ Thị Năng” cũng khẳng định là có việc năm 1985, UBND xã Hòa Xuân thu hồi thửa đất của gia đình bà Vũ Thị Năng. Công văn này cũng xác nhận nội dung: “Nguồn gốc thửa đất của bà Vũ Thị Năng là nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Đông và ông Nguyễn Quang Minh…khi thu hồi đất UBND xã cho rằng UBND chỉ thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Đông và ông Nguyên Quang Minh nên chỉ thực hiện việc bồi thường cho gia đình bà Đông và ông Minh theo quy định. Đối với gia đình bà Vũ Thị Năng UBND xã chỉ hỗ trợ xe, công và một số vất dụng khác để vận chuyển nhà đi nơi khác”.
Tại Công văn số 111/BC-UBND ngày 28/11/2014 của UBND phường Khánh Xuân về việc “Báo cáo về đề xuất việc giải quyết nội dung đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Năng thường trú tại tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột” trong đó có nội dụng: “Năm 1982 gia đình bà Nguyễn Thị Đông và ông Nguyễn Quang Minh có chuyển nhượng cho gia đình bà Vũ Thị Năng một phần diện tích đất. Gia đình bà Vũ Thị Năng đã làm nhà ở và có hàng rào bao quanh thửa đất, có giếng nước và đầy đủ các công trình phụ”.
|
Kết luận của UBND P. Khánh Xuân năm 2016 nêu: “Phần đất của bà Năng là không phải nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Đông và ông Minh”. |
Thế nhưng, ngày 24/6/2016, UBND phường Khánh Xuân bất ngờ ra Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc “Giải quyết khiếu nại của bà Vũ Thị Năng”, quyết định có kết luận rằng: “Phần đất của bà Vũ Thị Năng sử dụng và sau đó làm cửa hàng mua bán là do gia đình bà Nguyễn Thị Đông cho gia đình bà Vũ Thị Năng mượn ở nhờ và không phải nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Nguyễn Thị Đông và gia đình bà Phạm Thị Nhung (ông Minh) như đơn của bà Năng đã nêu…”.
Như vậy, có thể nhận thấy quyết định số 384/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân kết luận về nội dung khiếu nại là không thống nhất với các văn bản của chính cơ quan này ban hành trước đây, cũng như với các văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk.
Về việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Vũ Thị Năng, PV Pháp luật Plus đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Danh, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. Về vấn đề thu hồi đất của gia đình bà Năng, ông Danh nói: “Chủ trương đấy là chủ trương về mặt xã hội hóa của thị xã, của cơ quan huyện của Thị xã Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk”. Phóng viên cũng đề xuất được trích lục văn bản liên quan đên chủ trương thành lập chợ hồi đó nhưng ông Danh trả lời không có. Theo ông Danh, do thời gian vụ việc diễn ra từ lâu nên không có văn bản để cung cấp, mà chỉ có xác nhận của chủ tịch và bí thư cấp xã hồi đó, còn cấp thị xã thì ông cũng chưa có văn bản nào xác nhận.
Trước diễn biến vụ việc, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cần vào cuộc xác minh làm rõ chủ trương thành lập chợ, quy trình thủ tục thu hồi đất của gia đình bà Năng tại xã Hòa Xuân (nay là phường Khánh Xuân) vào năm 1985, cũng như xem xét quyền lợi của gia đình bà Năng đã khiếu nại nhiều năm qua.
Về vấn đề trên, luật sư Hoàng Cao Sang (Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật, Đoàn luật sự TP HCM) cho biết: Vào thời điểm năm 1985, thì các quy đinh về công tác quản lý ruộng đất đều được thực theo Quyết định số 201-CP ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ. Trong đó có nội dung quy định “Thẩm quyền về giao đất để sử dụng” tại điểm a, b mục 2, phần 5 Quyết định số 201-CP ngày 1/7/1980. a) Việc giao đất nông nghiệp, đất thổ cư nông thôn và đô thị trên 2 héc ta hoặc phải di dân trên 20 hộ để lấy đất làm việc khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; từ 2 héc ta trở xuống hoặc phải di dân từ 20 hộ trở xuống do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. b) Trường hợp các xã lấy đất nông nghiệp để xây dựng các công trình của xã, của hợp tác xã (kể cả để khai thác đất làm gạch, ngói) hoặc làm nhà cho dân ở, thì Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch hàng năm, nếu diện tích cần thiết chung cho tất cả các công trình trong một năm từ 2 héc ta trở xuống do Ủy ban nhân dân huyện xét và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn y, trên 2 héc ta do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuẩn y. |