Đại biểu cho rằng, dự án Luật cần phải quy định chi tiết các khoản, điều, mục nhằm thể hiện rõ vai trò quản lý của nhà nước trong hoạt động phòng, chống thất thu thuế. Đồng thời, phải thể hiện được chính sách "đẹp", có tính dự báo để tránh phải sửa sau mỗi nhiệm kỳ.
|
Đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai). |
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế, đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) nhấn mạnh, một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Mỗi một giai đoạn phát triển của đất nước, với sự đi lên của nền kinh tế, thuế luôn giữ vai trò là công cụ rất quan trọng để chính quyền can thiệp vào hoạt động của cả nội thương và ngoại thương.
"Bởi thế, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này phải quy định chi tiết các khoản, điều, mục nhằm thể hiện rõ vai trò quản lý của nhà nước trong hoạt động phòng, chống thất thu thuế. Mặt khác, phải thể hiện được chính sách thuế "đẹp", luật phải có tính dự báo để tránh phải sửa sau mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội", đại biểu nói.
Bà Hà cho hay, thực trạng những năm qua bị thất thu thuế rất nhiều mà chủ yếu là từ các doanh nghiệp.
"Dân quên một hôm thì nhắc nhở liên tục bằng nhiều phương tiện, cách thức khác nhau. Nhưng doanh nghiệp lách luật, trốn thuế thì phải đợi thanh tra, kiểm tra mới được phát hiện. Phát hiện được rồi, đợi đủ các thể loại đợi, sau đó mới đẻ ra được những hình thức thông cáo, chế tài xử lý. Nợ thuế lâu năm chỉ cần một câu lỗ vốn, vô ý quên, vô ý nhầm có thể thoát thân. Đó là biểu hiện lỏng lẻo của pháp luật", bà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Hà, Dự án luật lần này, các điều khoản quan trọng chỉ quy định chung chung rồi giao "ông này, bà kia" quy định cụ thể. Trong khi đó, Quốc hội làm luật cần đưa ra các quy định nền để luật đúng ra luật.
"Có câu "trên thế giới này không gì có thể nói là chắc chắn, trừ cái chết và thuế". Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, tham mưu nghiêm túc cho Chính phủ, đặc biệt nội dung Chương 9 về không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế cần được thể hiện chi tiết, rõ đối tượng để Luật Quản lý thuế (sửa đổi) không trở thành bức tranh vẽ đường cho hươu chạy. Để các doanh nghiệp không từ râu mực biến thành các xúc tu của bạch tuộc", bà góp ý.
Về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, theo đại biểu Trần Văn Tiến - Vĩnh phúc, Điều 87. Tại điểm b, c khoản 2 quy định thẩm quyền xóa nợ cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Thuế và Cục trưởng Hải quan để đảm bảo tính khách quan trong quản lý thuế.
Tuy nhiên, ông đề nghị cân nhắc việc quy định theo hướng không nên trao quyền cho lãnh đạo ngành thuế, hải quan được quyền xóa nợ thuế. Nên giao thẩm quyền này cho cơ quan quản lý nhà nước về thuế. Vì cơ quan quản lý thuế là người quyết định ấn định thuế, miễn giảm thuế, phanh nợ thuế, nay lại thực hiện xóa nợ thuế là không phù hợp, dễ tùy tiện vi phạm nguyên tắc, phát sinh tiêu cực và khó kiểm soát.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, việc xóa nợ và khoanh nợ thuế là giải pháp được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhưng vấn đề đặt ra là quy định cần tránh trục lợi, lạm dụng chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo bà Tuyết, thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp rất đa dạng nên việc chậm nộp của các doanh nghiệp rất phức tạp. Nợ tiền, chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ hoặc các nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán. Có những trường hợp bị chậm thanh toán từ ngân sách nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế của doanh nghiệp như doanh nghiệp thầu phụ cho những thầu chính thực hiện các hợp đồng bị chậm thanh toán không ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế.
Do đó, bà cho rằng, đề nghị của Chính phủ về việc xóa tiền nợ đất trên 10 năm là không phù hợp vì có thể là rất lớn và ẩn chứa nhiều phức tạp, chưa được làm rõ. Việc xóa nợ và khoanh nợ thuế theo quy định của dự thảo luật còn chung chung và thiếu căn cứ.
Đại biểu tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ bản chất để làm cơ sở, có những cơ chế thích ứng cho từng loại và cụ thể hóa ngay trong dự thảo luật sửa đổi lần này để tránh lạm dụng chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chính sách xóa nợ, nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng.