Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà.
Ngày 15/2/2017, Đà Nẵng công bố quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tạo tiền đề cho khu vực Bán đảo Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
|
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà. |
Khu vực được quy hoạch phát triển thành Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía Đông Bắc với tổng diện tích khoảng 4.439 ha.
Diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành Khu DLQG là 1.056 ha với các sản phẩm du lịch chính: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa – tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm.
Khu DLQG Sơn Trà với các khu chức năng như phát triển 03 trung tâm dịch vụ và của ngõ vào Khu DLQG trên 3 trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà; hình thành các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao và ngắm cảnh
Thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm: Bắc Mỹ (Mỹ); Tây Âu (Pháp, Đức, Anh); Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc); Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia). Tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp và thể thao mạo hiểm; khách có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày.
Thị trường khách du lịch nội địa trọng điểm là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp và du lịch văn hóa – tâm linh.
Theo ông Hà Văn Siêu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đà Nẵng là địa phương có thế mạnh đặc biệt phát triển du lịch là điểm đến có tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế với hệ thống tài nguyên du lịch đặc sắc cùng với Núi Bà Nà, Đèo Hải Vân, Non Nước - Ngũ Hành Sơn và các tài nguyên khác trên Bán đảo Sơn Trà nổi lên là sự giao thoa đặc biệt giữa biển, núi và đô thị.
Bán đảo Sơn Trà là “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng, đầy năng động là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây, là một trong những hành lang quan trọng và đặc biệt nhất của tiểu vùng Sông Mê Công mở rộng.
|
Bán đảo Sơn Trà “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Vân Trương). |
Ngoài ra, Bán đảo Sơn Trà còn được biết đến với các điểm du lịch nổi tiếng như: Chùa Linh Ứng, Cây Đa ngàn năm, Đỉnh Bàn Cờ… với gần 300 loài động vật trong đó có 15 loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, khỉ vàng, trăn gấm, gà mặt đỏ…, và hơn 300 cá thể voọc chà vá chân nâu - loài quý hiếm gần như bị tiệt chủng trên thế giới đang sinh sống tại đây.
Trước năm 2025, phát triển khu du lịch Sơn Trà đáp ứng các tiêu chí của Khu DLQG; đến năm 2030 Khu DLQG Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.
Mục tiêu, đến năm 2025 Khu DLQG Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.600 lao động trực tiếp và đến năm 2030 sẽ đón trên 4,6 triệu lượt khách với tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 4.300 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 2.800 lao động trực tiếp.
Phát triển Khu DLQG Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các nghành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhân dân trên địa bàn; gắn kết phát triển với khu vực Non Nước - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bắc Hải Vân, vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) và thành phố Hội An (Quảng Nam).
Bên cạnh đó, phát triển Khu DLQG Sơn Trà bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và phòng, chống thiên tai.