Công ty nào đã đề xuất lấp 1 ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư? Liệu đây có phải là ý tưởng táo bạo?
Mới đây, một doanh nghiệp đã đề xuất lấp 1 ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư, cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công, thuộc diện cải tạo trong một cuộc hội thảo về cải tạo chung cư cũ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Vậy doanh nghiệp này là ai? Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản hay không, kinh doanh có lãi hay không...? Đó là muôn vàn câu hỏi mà người dân đang thắc mắc.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng chính là đơn vị đề xuất nội dung trên với UBND TP Hà Nội.
Công ty này là Chủ đầu tư dự án đình đám mang tên Ecopark.
Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng có trụ sở nằm trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công ty được thành lập bởi 7 pháp nhân và 2 thể nhân.
Đây là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm, năng lực của những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khách sạn, dịch vụ, du lịch, xây dựng: Công ty cổ phần Xây dựng – Kiến trúc AA, Công ty Kiến trúc ATA, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Nam Thành Đô, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam, Công ty TNHH Duy Nghĩa, Công ty TNHH TM Phụng Thiên, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Nam Thanh, Công ty TNHH Thương mại Bảo Tín...
Ngày 7/11/2010, dự án Ecopark đã được khởi công.
Ngày 26/3/2012 là một dấu mốc đặc biệt quan trọng khi Vihajico bàn giao và chào đón cư dân đầu tiên về sống tại Ecopark. Tiếp sau đó, hàng trăm căn biệt thự, nhà phố đã được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.
Ngày 12/1/2013, 28 hộ gia đình đầu tiên của Ecopark đã được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong một buổi lễ bàn giao long trọng ngay tại khu đô thị Ecopark.
|
Ecopark là một trong những dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích dự án của Ecopark gần 500 ha, nằm ở phía đông nam của Hà Nội liền kề với làng gốm Bát Tràng, cách trung tâm thủ đô 12,8 km. Nhờ việc kết nối thuận lợi với cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, đường 5B, nơi đây là một trong những khu đô thị dễ lựa chọn đối với nhiều người ở Hà Nội. |
Trước những đề xuất của Công ty Việt Hưng liên quan đến việc lấp hồ Thành Công, thì doanh nghiệp này đã đưa ra nhận định: Phương án cải tạo chung cư cũ trên đất vàng chỉ cho phép xây tối đa 24 tầng là chưa hợp lý bởi chủ đầu tư chắc chắn không thể cân đối tài chính để thực hiện.
Do đó, đại diện công ty này đề xuất phương án 2 bao gồm các điều kiện: Một là chấp nhận tái định cư tại chỗ hiện hữu 100%; diện tích căn hộ tối thiểu 45m2; giữ lại các công trình tiện tích của khu chung cư, cải tạo khu đô thị xanh mật độ dân cư thấp.
Hai là đề nghị xây khối nhà tái định cư tối thiểu 24 tầng nhưng có điểm nhấn, cho nâng cao tối đa 45 tầng đối với khối nhà thương mại; cho phép mở rộng ranh giới quy hoạch để có biện pháp thi công tốt nhất, có quỹ đất sạch làm nhà tái định cư…
Trước những đề xuất trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận định: Trong công tác cải tạo, quy hoạch chung cư cũ, để tìm được lời giải đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân không dễ chút nào.
“Có những đề xuất mà ngay cả Thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1 ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, mặc dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác.
Tuy nhiên, qua đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác”, ông Hùng nói.
Theo vị Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, mặc dù đã rất quyết tâm, ngay cả có sự chỉ đạo từ TƯ xuống, công tác cải tạo chung cư cũ của Thủ đô tới nay mới chỉ được 1%.