Nhận thấy Công ty Diệp Bạch Dương gian dối lập báo cáo tài chính vay 22.000 lượng vàng SJC của Agribank, cơ quan điều tra đã tách vụ án để làm rõ.
Nhận thấy Công ty Diệp Bạch Dương gian dối lập báo cáo tài chính để vay 22.000 lượng vàng SJC của Agribank, cơ quan điều tra đã tách vụ án để làm rõ.
Trong kết luận điều tra vụ lừa đảo liên quan khu đất vàng 185 Hai Bà Trưng (TP.HCM), Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
9 người còn lại gồm các cựu lãnh đạo TP.HCM bị đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình xác minh, cơ quan công an cũng điều tra đối với các khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank chi nhánh TP.HCM và phát hiện dấu hiệu sai phạm.
Theo kết luận, Agribank TP.HCM đã cho công ty của đại gia Dương Thị Bạch Diệp vay tiền dựa trên phương án vay vốn không khả thi, không có khả năng tài chính để trả nợ. Việc cho vay có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Công an còn kết luận Công ty Diệp Bạch Dương có hành vi gian dối khi lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin không trung thực về năng lực kinh doanh với mục đích vay được vốn.
Sau khi được giải ngân, doanh nghiệp do bà Diệp làm giám đốc đã sử dụng vốn vay để mua nợ tại Seabank. Công ty Diệp Bạch Dương hiện có tài sản bảo đảm gần 2.170 tỷ đồng trong khi số dư nợ tại ngân hàng là hơn 5.200 tỷ đồng.
Phía nhà băng không có khả năng thu hồi nợ, có dấu hiệu mất vốn khoảng 3.000 tỷ. "Hành vi nêu trên độc lập với vụ án đang điều tra, Cơ quan điều tra Bộ Công an tách vụ án hình sự về hành vi vi phạm để tiếp tục làm rõ", kết luận nêu.
Đối với cáo buộc lừa đảo, cơ quan điều tra xác định năm 2007, Công ty Diệp Bạch Dương thỏa thuận với Trung tâm Ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM, đề nghị xây trụ sở mới cho trung tâm tại số 57 Cao Thắng (quận 3). Còn mặt bằng 185 Hai Bà Trưng sẽ nhượng lại cho công ty xây khách sạn 5 sao.
Bị UBND thành phố từ chối đề xuất hoán đổi trên, bà Diệp gặp ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch TP.HCM, bị can trong vụ án) để thương lượng.
Trong thời gian chờ phương án được thông qua, bà Diệp đã thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Agribank TP.HCM để vay gần 22.000 lượng vàng. Bà này không thông báo việc thế chấp cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Sau khi TP.HCM chấp thuận cho hoán đổi đất, năm 2013, công ty của bà Diệp được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số 185 Hai Bà Trưng.
Ngay sau đó, bà Diệp mang sổ đỏ khu đất thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank). Hành vi của bà Diệp gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 352 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đánh giá bị can Dương Thị Bạch Diệp khai báo thiếu thành khẩn, đổ lỗi cho các cá nhân, đơn vị tiếp nhận hồ sơ, nên đề nghị xử lý bị can nghiêm minh.
Trong vụ án, Bộ Công an xác định cựu Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân có một phần trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Quân đã chấp thuận về chủ trương, giao ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo việc hoán đổi 2 khu đất theo đúng quy định.
Tuy nhiên, do tin tưởng các đơn vị chức năng đã kiểm tra điều kiện pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng, ông Quân chấp thuận cho hoán đổi. Cơ quan điều tra đánh giá hành vi của ông Quân ở mức độ hạn chế nên không xử lý hình sự, nhưng kiến nghị xử lý hành chính đối với cựu Chủ tịch TP.HCM.
(Tiêu đề do phapluatplus.vn đặt lại).
Nhóm bị can bị đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch TP.HCM), Trần Nam Trang (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố này), Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ), Nguyễn Thành Rum (cựu Giám đốc Sở Văn hóa), Lê Tôn Thanh (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa), Lê Văn Thanh và Huỳnh Kim Phát ( 2 cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó giám đốc dưới quyền ông Kiệt).