Việc chuyển giao nghĩa vụ THA cho người thứ ba phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự về chuyển giao quyền, nghĩa vụ.
|
Ảnh minh họa. |
Bà Bùi Hằng Nga (Hòa Bình) hỏi: Khoản 4 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định: “Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự”.
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: Người nhận chuyển giao nghĩa vụ có các nghĩa vụ của người phải thi hành án (THA) nếu không tự nguyện THA thì bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA theo quy định của Luật THADS.
Nếu chấp hành viên cưỡng chế người thứ ba thì có mâu thuẫn gì với khoản 2 Điều 6 Luật THADS (thỏa thuận THA) hay không? Có đủ căn cứ cưỡng chế theo Điều 70 Luật THADS hay không vì người thứ ba không có quyền, nghĩa vụ theo Bản án?
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trả lời: Theo quy định tại khoản đ Điều 7a Luật THADS thì người phải THA có quyền “Chuyển giao nghĩa vụ THA cho người khác theo quy định của Luật này”; khoản 4 Điều 54 Luật THADS quy định:
“Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về THA cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự”; khoản 2 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA theo quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật THADS được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự về chuyển giao quyền, nghĩa vụ; không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và phải được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của người chuyển giao, người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA.
Trường hợp người được THA chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền được THA của mình cho người thứ ba thì người thứ ba trở thành người được THA tương ứng với phần quyền được chuyển giao và có các nghĩa vụ của người được THA theo quy định của Luật THADS.
Người chuyển giao quyền về THA phải thông báo bằng văn bản cho người phải THA, cơ quan THADS đang tổ chức việc THA biết về việc chuyển giao quyền về THA.
Việc chuyển giao quyền về THA không cần có sự đồng ý của người phải THA, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Trường hợp người phải THA chuyển giao nghĩa vụ THA cho người thứ ba thì phải được sự đồng ý của người được THA.
Người nhận chuyển giao nghĩa vụ có các nghĩa vụ của người phải THA, nếu không tự nguyện thi hành thì bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA theo quy định của Luật THADS.”
Theo quy định trên thì việc chuyển giao nghĩa vụ THA cho người thứ ba phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự về chuyển giao quyền, nghĩa vụ; không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của của tổ chức, cá nhân khác; phải được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của người chuyển giao, người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA và được sự đồng ý của người được THA.
Khi người thứ ba nhận chuyển giao nghĩa vụ của người phải THA thì người thứ ba trở thành người phải THA. Cơ quan THA ra quyết định THA mới tương đương với phần quyền và nghĩa vụ chuyển giao và thu hồi quyết định THA đã ra trước đây.
Do đó, nếu người thứ ba không tự nguyện THA thì bị cưỡng chế và không trái với bản án, quyết định của Tòa án và quyết định THA.