Chiều nay 27/12 Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo.
Cụ thể Bộ GD& ĐT sẽ thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới, Năm học 2020 -2021 đối với lớp 1: năm học 2021 -2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 -2023 đối với lớp 3 và lớp 7, lớp 10; năm học 2023 -2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 -2025 đối với lớp 5, lơp 9 và lớp 12.
Theo đó, chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.
Trong đó, có một hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả các cấp học là Hoạt động trải nghiệm. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo chiều nay |
Chia làm 2 giai đoạn cơ bản
Nội dung giáo dục tiểu học gồm 11 môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, (ở lớp 3,4,5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 1,2,3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4,5): Giáo dục thể chất, Nghệ Thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật): Hoạt động trải nghiệm và 2 môn tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1).
Bậc học này sẽ có môn học mới là tin học và công nghệ.
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Ở bậc học này là môn tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.
Đối với cấp THPT, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: ttiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
Ngoài những thay đổi về môn học, giai đoạn cơ bản, chương trình GDPT mới còn có những thay đổi theo hướng thay đổi nội dung và truyền tải kiến thức. Cụ thể Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.
|
Những thay đổi theo hướng thay đổi nội dung và truyền tải kiến thức được chú trọng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nhưng chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.
Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.
Chương trình GDPT mới “giảm tải” môn và tiết học
Chương trình GDPT mới sẽ giảm số môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học). Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành.
Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Đối với chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Chương trình mới của các lớp THPT cũng có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Giảm số tiết học, ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ.Còn THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.
|
Việc "giảm tải" môn và tiết học rất được học sinh cả nước đồng tình - Ảnh Hoàng Hà |
Giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới.
Theo Thông tin từ Bộ GD& ĐT trong thời gian tới sẽ chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để kịp thời triển khai chương trình mới bắ đầu đối với lớp 1 năm học 2020 -2021.