Theo chủ tịch Quốc hội, không thể bỏ HĐND cấp xã ở thời điểm này, nếu muốn nhân rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường thì phải sửa Hiến pháp.
Đó là một trong những nội dung được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu tại cuộc thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) diễn ra vào ngày 13/2 vừa qua.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã rút đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các quận, phường, xã ở đô thị trên cả nước.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã".
Chủ tịch Quốc hội cho hay "một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Những nơi có chủ trương thí điểm thì tiếp tục thực hiện, sau đó tổng kết để xem xét có nhân rộng hay không.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ sáng 13/2. Ảnh: Phạm Thắng |
Tuy nhiên, người đứng đầu Quốc hội cho hay nếu muốn mở rộng mô hình này, cần phải sửa Hiến pháp.
"Ở địa phương, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chính là ở HĐND. Nếu bỏ HĐND thì nhân dân làm chủ ở đâu? Ngoài mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thì nhân dân phát huy quyền làm chủ ở đâu?", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng nhiều lần nêu quan điểm lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ thì làm sao phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động giải quyết các vấn đề, nhất là giải quyết những “điểm nghẽn, rào cản” để khơi thông nguồn lực phát triển.
“Những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì giải quyết ngay, không vì những quy trình cứng nhắc mà làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây là quan điểm chỉ đạo của cấp thẩm quyền mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tương tự, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo, điều hành trực tiếp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, hiện để công việc nhanh, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy làm luật. Theo đó, Quốc hội giao quyền mạnh hơn cho Thường vụ Quốc hội vì Thường vụ Quốc hội một tháng có thể họp mấy phiên để giải quyết công việc, rồi Thường vụ Quốc hội ủy quyền lại cho Chính phủ.
Với Quốc hội, theo ông Trần Thanh Mẫn, thời gian tới cũng không quản lý danh mục đầu tư, ngay Chính phủ cũng không quản lý danh mục đầu tư, mà phân quyền mạnh cho bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, hạn chế tối đa xin - cho. “Chính từ xin - cho dẫn xảy ra một số vụ việc tiêu cực, phải xử lý nhiều cán bộ”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Liên quan đến vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, bà Trà cho biết, lần sửa đổi này sẽ thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp và các cơ quan. Trên cơ sở đó, dự thảo luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính.
 |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. |
Đáng lưu ý về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo bà Trà, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành.
Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
“Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trước đó, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đề xuất mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc Trung ương.
Qua đó, đối với đơn vị hành chính đô thị, dự thảo luật nêu phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Còn tại quận, phường, xã thuộc đô thị, Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.