Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam hôm qua, 30/1, cho biết, đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam để tiến hành xử lý kỷ luật.
Trước đó, Uỷ Ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương ra Thông báo về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. UBKT Trung ương kết luận ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&ĐT đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo kết luận này, ông Bảo có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sỹ tại nước ngoài.
|
Ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam bị đình chỉ công tác. |
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.... Như vậy, tưởng như thênh thang con đường “quan lộ”, câu chuyện về “chủ nghĩa hậu duệ” ở Quảng Nam đã đi đến “hồi kết”.
Không biết từ bao giờ “chạy” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. “Chạy” miệt mài, từ sống tới chết; từ lúc chào đời đến lúc lìa trần, coi như trọn vòng đời. Lúc có bầu, đi khám thai, có khi phải nhờ đến “cò” để được bác sĩ giỏi khám cho.
Lúc sinh con, làm giấy khai sinh, có khi phải “phong bì” cho ông cán bộ khó tính. Con đi học thì “chạy” trường, “chạy” cả mấy lớp đầu cấp. Lúc đi làm thì “chạy” việc. Kinh doanh - làm ăn vừa “chạy” cả cúp vàng cúp bạc vừa “chạy” danh hiệu.
Lỡ có "mệnh hệ" gì thì “chạy” án. Xui rủi dính án thì “chạy” tội. Đến lúc qua đời, có trường hợp phải “chạy nhà xác”...Trong các loại “chạy”, “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy luân chuyển”... làm băng hoại giá trị đạo đức của không ít người; đã và đang kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Đây là hệ quả của quản lý kém và là mặt trái cơ chế thị trường tác động vào công tác cán bộ. Tham nhũng quyền lực, bổ nhiệm con cháu, người nhà là một biến thái hết sức nguy hiểm của tham nhũng ở Việt Nam. “Quy trình” được dùng để hợp thức hóa tham nhũng quyền lực. Không như ai đó đã từng “vô tư” phát biểu “ Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc”.
Đã đến lúc không thể chấp nhận được nên tại hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức xây dựng Đảng vừa qua, lần đầu tiên Ban tổ chức Trung ương đã công bố dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu.
Phải bịt kín mọi con đường “chạy”. “Không thể chạy” phải bằng quy trình, quy chế chặt chẽ từ khâu giới thiệu, quy hoạch, đến ứng cử, bổ nhiệm.
“Không dám chạy” là tăng cường chế tài xử phạt, xử lý cả người chạy và người được chạy, khi phát hiện xử lý nghiêm “không vùng cấm”.
Đây cũng là vấn đề của sự “tồn vong”.