Công ty Carlsberg Việt Nam đã dùng hình ảnh các chai bia dán lên Ngọ Môn (Đại nội Huế), cầu Trường Tiền…
Chiều nay 15/6, ông Lê Sĩ Minh - Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Thanh tra sở này đang phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh xử lý việc Công ty Carlsberg Việt Nam vi phạm quy định về quảng cáo.
Trước đó, để quảng cáo cho sản phẩm bia Huda, Công ty Carlsberg Việt Nam đã dùng hình ảnh các chai bia dán lên di tích nổi tiếng ở Huế là Ngọ Môn (Đại nội Huế) và cầu Trường Tiền… đăng trên trang mạng xã hội Facebook Huda Beer.
|
Hình ảnh nhằm để quảng cáo cho sản phẩm bia Huda. |
Cụ thể, trong hình ảnh đăng trên trang Facebook Huda Beer, di tích Ngọ Môn được dán đầy hình ảnh những chai bia Huda sắp xếp ngay ngắn.
Trong khi đó, ở hình ảnh cầu Trường Tiền, các trụ cầu bị ẩn hiện bởi các chai bia. Sau một thời gian được đăng tải trên Facebook, những hình ảnh này đã gây bức xúc trong dư luận.
Theo ông Lê Sĩ Minh, việc làm trên của Công ty Carlsberg Việt Nam đã vi phạm quy định ở khoản 3, điều 8 của Luật Quảng cáo.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao yêu cầu Công ty Carlsberg Việt Nam gỡ bỏ những hình ảnh quảng cáo trên.
Ông Minh cũng cho biết, phương án xử lý đối với vụ việc này là cơ quan thanh tra của hai sở sẽ mời đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam làm việc chính thức và yêu cầu công ty này có lời xin lỗi công khai trước dư luận, đồng thời cam kết không tái phạm.
“Về việc xử phạt, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao sẽ xử phạt doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Nghị định 66 của Chính phủ. Mức xử phạt khoảng từ 10 - 20 triệu đồng”- ông Minh cho hay.
Tối 15/6 liên quan đến vấn đề này TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Vừa qua sau khi nhận được thông tin việc ‘huda’ đã dán bia lên Ngọ Môn (Đại nội Huế). Tôi đã báo cáo vụ việc lên UBND cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền và sau đó doanh nghiệp đã tiếp thu, sửa đổi”.
|
Hình ảnh này khiến người dân Huế vô cùng bức xúc. |
“Sống trên vùng đất của di sản đòi hỏi các doanh nghiệp cũng cần có các kiến thức và văn hóa nếu muốn phát triển bền vững”, ông Hải trăn trở.