Tổng thầu phải vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong 20 ngày, đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu để vận hành.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành khối lượng xây dựng và đang trong quá trình nghiệm thu từng phần.
|
Tổng thầu phải vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong 20 ngày, đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu để vận hành. |
Để vận hành dự án, tổng thầu phải hoàn thiện đề cương, cũng như thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu toàn bộ dự án.
“Việc vận hành hệ thống phải tuân thủ theo đề cương vận hành thử chi tiết do tổng thầu xây dựng, được các đơn vị quản lý dự án thẩm tra, phê duyệt. Tổng thầu đã trình đề cương, song cần bổ sung, hoàn thiện nên đến nay chưa được phê duyệt. Sau khi phê duyệt mới xác định thời gian bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, việc đánh giá an toàn hệ thống do tư vấn độc lập (Liên danh Apave-Certifier-Tricc) thực hiện.
“Sau khi dự án nghiệm thu toàn bộ, được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để khai thác sẽ được bàn giao cho thành phố Hà Nội, trực tiếp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội khai thác, vận hành”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
|
Việc vận hành hệ thống phải tuân thủ theo đề cương vận hành thử chi tiết do tổng thầu xây dựng, được các đơn vị quản lý dự án thẩm tra, phê duyệt. |
Trước đó, trong văn bản trả lời cử tri Hà Nội mới đây của Bộ GTVT về dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ GTVT thừa nhận một loạt vấn đề về dự án này, đặc biệt là các nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn…
Đánh giá về nguyên nhân chủ quan, Bộ GTVT cho hay, dự án có thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; chờ Nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.
Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trang Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện Dự án.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 1/10. |
Trong khi đó, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế...
Theo báo cáo, khối lượng công việc còn lại của dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ là 1%. Tuy nhiên, không biết bao giờ 1% ấy được hoàn thành…
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Với tuyến Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống, để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống.
Bộ trưởng Bộ GTVT tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc./.