Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Võ Văn Minh đề nghị các đơn vị liên quan phân tích những hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng bảng giá đất hiện hành để xây dựng bảng giá đất mới, tránh gây xáo trộn về các nguyên tắc chung và ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp…
Đánh giá kỹ hiện trạng
Ngày 20/11, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp xem xét, góp ý phương án điều chỉnh, bổ sung Bảng giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020-2024.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND về việc quy định hệ số điều chỉnh bảng giá đất năm 2023 trên địa bàn. Trong đó, đối với đất phi nông nghiệp: mức tăng giá bình quân của đất phi nông nghiệp khoảng 18% so với bảng giá cũ. Cụ thể để giá đất thành phố Thủ Dầu Một tăng bình quân 10%, giá đất thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân từ 5% đến 30%.
|
Giá đất tại thành phố Thủ Dầu Một hiện đang cao nhất tỉnh Bình Dương. |
Giá đất thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, và các huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5% đến 20%. Giá đất huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%. Bổ sung bảng giá đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và bổ sung bảng giá đất quốc phòng, phòng an ninh; áp dụng bằng 65% giá đất ở.
Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một, gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách mạng tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2. Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một có giá đất dao động từ 20-25 triệu đồng/m2.
Quyết định cũng thêm 27 đoạn, tuyến; nâng Hệ số điều chỉnh (Đ) 45 tuyến; giảm hệ số 2 tuyến; nâng loại đường 5 tuyến; đính chính, đổi tên đường 21 tuyến; điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 5 tuyến.
Như vậy, bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất K, tăng bình quân 18% so với bảng giá đất hiện hành.
Đề xuất 2 phương án định giá đất
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, việc xây dựng phương án điều chỉnh bảng giá đất căn cứ vào nhiều yếu tố như: Kết quả tổng hợp giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường; kết quả so sánh giá đất do UBND tỉnh quy định với giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường; tình hình áp dụng bảng giá các loại đất từ năm 2020 đến nay; tình hình, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông trên địa bàn tỉnh; góp ý của các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố và các quy định hiện hành về xây dựng, điều chỉnh bảng giá các loại đất…
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát bổ sung các tuyến đường được Nhà nước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặt tên mới... chưa được điều chỉnh, bổ sung trong Bảng giá các loại đất hiện hành. Phân loại các tuyến đường thuộc 4 xã (Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Phú Chánh và Tân Vĩnh Hiệp) được nâng cấp thành phường thuộc thành phố Tân Uyên; xã Tân Bình nâng cấp thành thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên và xã An Điền, An Tây thuộc thành phố Bến Cát nâng cấp thành phường theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để áp dụng mức giá đối với khu vực đô thị.
|
Một số tuyến đường tại 2 thành phố mới là Tân Uyên và Bến Cát sẽ được bổ sung, điều chỉnh trong bảng giá các loại đất hiện nay. |
Từ đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương đã đưa ra 2 phương án thực hiện điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương: theo nguyên tắc thị trường và theo mức giá đất hiện hành tính theo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024. Cụ thể, phạm vi điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh được căn cứ trên các điều, khoản quy định trong Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các cơ sở pháp lý, phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng bảng giá đất; ưu, nhược điểm cũng như tác động của từng phương án… Các đại biểu cũng cho rằng, việc điều chỉnh Bảng giá đất cần thực hiện từng bước, không tăng cao đột ngột tránh gây tác động lớn đến toàn bộ các mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất phải dựa trên cơ sở phân tích đánh giá những hạn chế, bấp cập trong quá trình áp dụng thời gian qua. Đồng thời, kế thừa Bảng giá các loại đất hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng vẫn đảm bảo theo quy định pháp luật, đảm bảo sự ổn định, tránh tình trạng sau khi điều chỉnh gây xáo trộn về các nguyên tắc chung và ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
“cơ sở góp ý của các đại biểu, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương làm rõ căn cứ pháp lý, quy trình thực hiện, phương pháp thu thập, lấy ý kiến nhân dân, đánh giá tác động… Hội đồng thẩm định bảng giá đất khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các quy định khác có liên quan, đảm bảo giá đất phù hợp với tình hình thực tế. Sớm hoàn thành báo cáo, tờ trình để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Võ Văn Minh đề nghị.
Đã tập huấn cho các địa phương Để chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng bảng giá đất mới, trước đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn Luật Đất đai năm 2024 cho các đơn vị địa phương liên quan. Ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Ông Hải cho rằng, đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. Theo ông Hải, so với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 quy định 5 nhóm vấn đề mới. Nổi bật có các nội dung như: Phân loại 3 nhóm đất (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng); quy định cụ thể về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định 8 trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất; 4 phương pháp quy định giá đất... |