Bình Dương xác định trong 4 chương trình đột phá, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, không chỉ gắn liền với các ngành dịch vụ hiện đại mà còn phải đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số toàn diện. Mô hình liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) đóng vai trò quan trọng để tạo đột phá cho nguồn nhân lực, mở đường cho sự phát triển trong tương lai.
Đào tạo gắn với thực tiễn
Theo đánh giá của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc “trải thảm đỏ” mời tri thức và chuyên gia về làm việc. 2/3 đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại Bình Dương hiện nay là người ngoài tỉnh, cho thấy hiệu quả từ các chính sách thu hút nhân tài của tỉnh.
Đặc biệt, tỷ lệ chuyên gia chọn ở lại gắn bó lâu dài với tỉnh rất cao, minh chứng cho tính bền vững của chiến lược phát triển nhân lực mà Bình Dương đã thực hiện.
|
Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. |
Nguồn nhân lực đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Hoạt động giáo dục và đào tạo tại địa phương đã có nhiều đổi mới, trong đó mô hình liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) đóng vai trò quan trọng. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Nhiều trường đã xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các phòng thí nghiệm hiện đại, giúp sinh viên có thể thực hiện các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) là một điển hình, với các chương trình liên kết với Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và các tập đoàn quốc tế như Bonfiglioli, Omron, Ecco. Bên cạnh đó, Bình Dương còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế để mở rộng cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên. Những chương trình này mang lại cho sinh viên, giảng viên cơ hội tiếp cận với mô hình quản lý đô thị thông minh từ các quốc gia tiên tiến, đồng thời giúp sinh viên và giảng viên tích lũy những kinh nghiệm quý giá.
Sự hợp tác giữa giáo dục và doanh nghiệp đã giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực tiễn, bảo đảm chương trình đào tạo luôn gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Những sáng kiến này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, góp phần quan trọng vào việc phát triển thành phố thông minh của Bình Dương. Nhờ những bước đi đúng hướng trong phát triển nguồn nhân lực, Bình Dương đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tập trung đào tạo các lĩnh vực AI, IoT, BigData
Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Để đạt được điều này, tỉnh đang tích cực triển khai các dự án trọng điểm như khu công nghiệp sinh thái, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng lực công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp và đổi mới. Những dự án này sẽ là cầu nối giữa DN và cơ sở giáo dục, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
|
Bình Dương kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu, đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo thế hệ kế cận và phát triển các dự án đổi mới sáng tạo. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, sau hơn 25 năm tái lập và phát triển, Bình Dương từ tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực đã chuyển mình trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đặc biệt, vào năm 2023, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được ICF vinh danh là TOP 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu của năm.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi, chìa khóa quyết định sự thành công. Bình Dương đã lập chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số này. Song song với việc xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tỉnh cần tập trung vào những ngành nghề chủ điểm, mũi nhọn.
Song song đó, Bình Dương đẩy mạnh chương trình thu hút nhân tài trong nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế. Các chính sách đãi ngộ đặc biệt đang được tỉnh áp dụng để khuyến khích những chuyên gia có học hàm, học vị cao trong và ngoài nước đến làm việc tại địa phương. Những ưu tiên này không chỉ giúp tỉnh bổ sung nhân lực trình độ cao mà còn tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh. Thông qua các chính sách đãi ngộ hấp dẫn, Bình Dương kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu, đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ, đào tạo thế hệ kế cận và phát triển các dự án đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Bình Dương sẽ tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), internet vạn vật (IoT). Các cơ sở giáo dục sẽ đẩy mạnh phương pháp học tập dựa trên dự án và trải nghiệm thực tế, giúp SV không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng vào công việc thực tế.
Với chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, Bình Dương đang xây dựng môi trường sống và làm việc hiện đại, thân thiện và bền vững. Những nỗ lực này sẽ giúp tỉnh khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế tri thức quốc tế, trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và nhân tài. Đồng thời, đây cũng là động lực quan trọng để Bình Dương phát triển bền vững, trở thành thành phố thông minh trong giai đoạn mới.
Khơi dậy nội lực
Để có cơ sở thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tiến hành tổng kết Đề án "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn, định hướng đến năm 2050"; định hướng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu rõ theo dự báo của đề án, Bình Dương tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi kinh tế. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững.
|
Tỉnh Bình Dương tập trung mọi nỗ lực để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. |
“Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực là yếu tố then chốt cho sự phát triển của Bình Dương. Tỉnh cần đề ra những giải pháp đột phá trong văn kiện Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh sắp tới để tạo sự khác biệt, đặc biệt là trong việc kết nối hạ tầng và phát triển kinh tế” ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Quá trình thực hiện đề án đã chỉ ra rằng Bình Dương phải tự lực, tự chủ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao khả năng đề kháng trước những biến động toàn cầu; đồng thời, khơi dậy nội lực thông qua sự phát triển của 75.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 4.000 dự án FDI. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin, qua nghiên cứu Đề án, sau gần 40 năm đổi mới, Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh thành công nhất về phát triển kinh tế, mở cửa thu hút đầu tư và cải thiện đời sống của người dân. Sự phát triển vượt bậc của tỉnh là minh chứng cho những lựa chọn đúng đắn và cách làm sáng tạo, giúp Bình Dương trở thành địa phương tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước.
Bình Dương đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp hóa với thu nhập trung bình cao. Không chỉ đạt được thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh còn gặt hái nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa-xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống chính trị mạnh mẽ và đồng bộ; từ đó góp phần tạo nên một xã hội an toàn, ổn định và phát triển bền vững.
Dành 1.000 – 1.500 ha đất để phát triển giáo dục Theo đề án xác định đến năm 2030 đảm bảo tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương, trong đó phát triển giáo dục là ưu tiên. Định hướng sắp tới sẽ dành 1000-1500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông, đại học, đồng thời Bình Dương sẽ rà lại, sắp xếp quy hoạch để phát triển giáo dục, kêu gọi thu hút đầu tư xã hội hoá giáo dục nhất là về đất đai. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết qua quá trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, Đề án "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn, định hướng đến năm 2050"; định hướng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030, Hội đồng Lý luận Trung ương đã giúp Bình Dương hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu Đề án. Đây là sản phẩm trí tuệ và khoa học có giá trị cao, giúp Bình Dương có cơ sở để hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án đã chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu và thách thức Bình Dương phải đối mặt trong tương lai. Từ đó đề xuất những giải pháp phát triển đột phá để địa phương tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước. |