Một số hộ dân thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định) nhiều lần gửi đơn đến ngành chức năng khiếu nại Ban nhân dân (BND) thôn Bình Lâm và UBND xã Phước Hòa thiếu công bằng trong thống kê số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại tại các đợt lũ năm 2016.
Tin nên đọc
Tiến độ sửa chữa, bàn giao tàu 67 cho ngư dân Bình Định bị chậm trên 1 tháng
Bình Định: Khu chế biến thủy sản tập trung gây ảnh hưởng môi trường
Bình Định: Phát hiện hàng chục ha rừng phòng hộ bị "cạo trọc"
Vụ Trưởng phòng thanh tra thuế Bình Định bị bắt: "Sập bẫy" tại chỗ khi nhận tiền từ doanh nghiệp
Chưa công bằng trong thống kê, lập danh sách?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa và một số hộ dân đội 5, thôn Bình Lâm, cho biết: Các đợt lũ cuối năm 2016 gây nhiều thiệt hại cho người dân đội 5 nói riêng, thôn Bình Lâm nói chung và hầu hết các hộ đều có chuồng, trại chăn nuôi heo, gà bị ngập nước.
|
Gia đình bà Oanh xây chuồng trại nuôi heo tại đội 3, thôn Bình Lâm đợt lũ cuối năm 2016, gia đình bà có 40 con heo con bị chết. |
Thế nhưng, BND thôn Bình Lâm và UBND xã Phước Hòa thống kê, lập danh sách thiệt hại chưa công bằng, thiếu chính xác. Nhiều hộ không có heo, gà chết vẫn được BND thôn “ưu ái” liệt vào danh sách thiệt hại…
Trong khi đó, nhiều gia đình có heo chết do ảnh hưởng nước lũ, nhưng BND thôn “quên” đưa vào danh sách. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Văn Điệp, bà Lê Thị Thừa (đồng trú đội 5, thôn Bình Lâm)…, nhưng không có tên trong danh sách.
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh (vợ ông Điệp), trình bày: “Nhà tui xây trại nuôi heo tại đội 3, thôn Bình Lâm, các đợt lũ cuối năm 2016 làm ngập chuồng, chết 40 con heo con. Gia đình tui báo cáo nhưng thôn, xã bỏ ra ngoài danh sách với lý do chuồng heo không ngập nước.
Trong khi đó, nhiều hộ không bị thiệt hại vẫn có tên là thiếu công bằng”. Còn theo ông Hòa: “Khi UBND xã cho niêm yết công khai danh sách các hộ bị thiệt hại, người dân địa phương nhận thấy chưa chính xác, thiếu công bằng nên có đơn khiếu nại.
UBND xã lập tổ công tác kiểm tra, nhưng nhiều hộ bị thiệt hại vẫn không được đưa vào danh sách. Thực tế này khiến dư luận địa phương bất bình, đặt nghi vấn về tính công bằng trong thống kê danh sách thiệt hại”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt (Trưởng thôn Bình Lâm) lại khẳng định: “BND thôn thống kê theo hướng dẫn của xã và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xác định các hộ bị thiệt hại. Nhiều hộ dân không có heo, gà chết nhưng vẫn báo cáo và các trường hợp này đều bị BND loại khỏi danh sách.
Vì vậy, họ gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, chứ việc thống kê, lập danh sách được thực hiện công khai, công bằng”.
Thiếu sót khách quan?
Trong khi đó, ông Võ Văn Thọ, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa, cho biết: Từ ngày 20/7 đến 3/8/2017, UBND xã niêm yết công khai danh sách các hộ dân tại thôn Bình Lâm có heo, gà chết do lũ với tổng số bị thiệt hại là 104 hộ.
Sau đó, 95 hộ đồng loạt có đơn khiếu nại, yêu cầu xã xem xét, đưa họ vào danh sách bị thiệt hại để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để giải quyết, UBND xã cử tổ công tác tới những hộ có đơn khiếu nại kiểm tra, kết quả một số hộ ở đội 6, thôn Bình Lâm nhà ở gần đê Gò Ông Ngôn và Đìa Ông Ký có ngập lũ và bị thiệt hại heo, gà.
Tổ công tác quyết định bổ sung 35 hộ ở đội 6 vào danh sách thiệt hại gia súc, gia cầm. Đồng thời, trong 104 hộ thuộc danh sách ban đầu, có 8 hộ không nằm trong vùng ngập lũ nên bị loại. Như vậy, sau 2 đợt rà soát, thôn Bình Lâm có tất cả 131 hộ bị thiệt hại.
“Đợt kiểm tra đầu, BND thôn Bình Lâm chỉ tập trung vào các khu vực bị ngập nặng, nên bỏ sót những trường hợp tại đội 6. Đồng thời, chưa kiểm tra chính xác đối với 8 trường hợp không nằm trong vùng ngập lũ, nhưng vẫn báo có heo, gà bị chết. Đây là thiếu sót của BND thôn, nhưng do nguyên nhân khách quan, chứ không có chuyện thiếu công bằng, tiêu cực như một số người dân phản ảnh”, ông Thọ thẳng thắn.
Ông Huỳnh Thanh Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết thêm: Hầu hết các hộ dân ở đội 3, đội 5, thôn Bình Lâm thuộc khu vực không ngập lũ, không thiệt hại gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, một số hộ cho rằng “lũ lụt ai cũng ảnh hưởng” nên nhất quyết đòi vào danh sách thiệt hại.
Đây là yêu cầu không có cơ sở, gây khó khăn cho chính quyền địa phương, cũng như các trường hợp thật sự có thiệt hại. UBND xã đã có văn bản báo cáo và gửi danh sách 131 hộ tại thôn Bình Lâm bị thiệt hại gia súc, gia cầm lên UBND huyện xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Có thể thấy, việc Nhà nước hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại do lũ lụt là chính sách thiết thực, giúp người dân phần nào khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên, người dân cũng đừng trông chờ vào chính sách mà kê khai thiệt hại thiếu trung thực và chính quyền địa phương cần thật sự chính xác trong quá trình rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ thiệt hại.
Có như vậy, mới tránh được tình trạng “bỏ sót, đưa nhầm” các trường hợp bị hoặc không bị thiệt hại, gây dư luận không tốt, dẫn đến khiếu nại kéo dài.