Chủ đầu tư, và đơn vị tư vấn đấu thầu đã 5 lần gia hạn thời gian phát hành HSMT để điều chỉnh các tiêu chí trong HSMT.
Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đang tổ chức đấu thầu Gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh và các thiết bị hỗ trợ (Gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư), nhưng theo phản ánh của nhà thầu tham gia đấu thầu có nhiều “bất thường” trong quá trình tổ chức đấu thầu và xét thầu.
Hàng loạt biểu hiện cho thấy sự thiếu minh bạch, như: phát hành 2 hồ sơ mời thầu (HSMT) với những tiêu chí xét thầu khác nhau cho cùng một hệ thống thiết bị xạ trị, có dấu hiệu thay đổi tiêu chí HSMT cho phù hợp với năng lực nhà thầu, và ban hành các tiêu chí trái luật trong HSMT.
|
Bệnh viện Ung bướu TP HCM |
Vì sao cần 2 HSMT cho 1 gói thầu
Để phục vụ công tác khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân ung thư tại khu vực phía Nam, tháng 11/2016 Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã phát hành HSMT gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư, và nếu tuân thủ quy trình bình thường của Luật đấu thầu 2014 thì khoảng 3 tháng sau sẽ lựa chọn được đơn vị trúng thầu.
Nhưng dường như, chủ đầu tư (Bệnh viện Ung Bướu TPHCM) và đơn vị tư vấn đấu thầu Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Thiên Lộc lại cố tình kéo dài thời gian phát hành HSMT với lý do điều chỉnh, sửa đổi tiêu chí trong HSMT. Chính điều này đã làm thời gian phát hành HSMT, chuẩn bị HSDT của gói thầu này kéo dài tới 4 tháng, thông thường quy trình này chỉ kéo dài khoảng 20 ngày đối với gói thầu quy mô lớn, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Cụ thể, chủ đầu tư, và đơn vị tư vấn đấu thầu đã 5 lần gia hạn thời gian phát hành HSMT để điều chỉnh các tiêu chí trong HSMT.
Đáng ngờ hơn, việc điều chỉnh các tiêu chí trong HSMT gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư lại được các nhà thầu tham gia đấu thầu phản ánh là điều chỉnh theo kiểu cố “gọt chân cho vừa giầy”, đánh mất sự cạnh tranh, công bằng, và không minh bạch trong đấu thầu.
Và sau 5 lần gia hạn thời gian phát hành HSMT, đến ngày 15/3/2017, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chính thức ra quyết định số 523 phê duyệt điều chỉnh HSMT gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư.
Với việc ban hành quyết định này, chủ đầu tư đã điều chỉnh nội dung xét thầu cả 3 phần, 9 chương trong HSMT. Điều này đồng nghĩa với việc ban hành một bộ HSMT mới để thay thế HSMT cũ.
Tiếp đó, ngày 12/4/2017, Văn phòng UBND TPHCM đã ra văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc sở Y tế và Bệnh viện Ung Bướu mua sắm trang thiết bị y tế chuyên dùng nêu trên với tiêu chí hiện đại, chất lượng tốt nhất và thực hiện tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của Luật đấu thầu.
Điều chỉnh tiêu chí xét thầu trái luật?
Theo một chuyên gia y tế trong lĩnh vực điều trị ung thư, để đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm gói thầu trên, nhà thầu phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính, doanh thu, nguồn lực tài chính cho gói thầu và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng hàng hóa tương tự.
Trong đó, kinh nghiệm về thực hiện các hợp đồng tương tự với một gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư là rất quan trọng, bởi thiết bị điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng tia xạ, đây là thiết bị rất hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người bệnh, do đó đòi hỏi khắt khe về quá trình cung cấp, lắp đặt và cả công tác bảo trì. Do vậy rất cần lựa chọn nhà thầu trúng thầu đã có kinh nghiệm triển khai thiết bị xạ trị với quy mô tương tự.
Và với mục tiêu lựa chọn nhà thầu đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư, tháng 11/2016, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM ký và phát hành HSMT gói thầu (HSMT cũ). Trong đó, mục 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Chương III HSMT) quy định nhà thầu phải thỏa mãn yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự như sau: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng cung cấp mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính từ năm 2013 trở lại đây tính đến thời điểm đóng thầu là >= 01 hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị có gia trị tối thiểu là 150 tỷ đồng”.
Tiêu chí về hợp đồng tương tự này hoàn toàn phù hợp với Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT (TT05) của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa theo Luật đấu thầu, và nghị định hướng dẫn luật.
Nhưng bất ngờ sau 5 lần gia hạn thời gian phát hành HSMT, đến tháng 3/2017, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM lại quyết định điều chỉnh HSMT, phát hành một HSMT mới với nội dung quy định về kinh nghiệp thực hiện hợp đồng tương tự hoàn toàn trái luật.
Cụ thể, tại mục 4 của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Chương III) của HSMT mới quy định về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự như sau: “Số lượng hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế với tư cách là nhà thầu chính từ năm 2013 trở lại đây, tính đến thời điểm đóng thầu >= 2 hợp đồng, có tổng giá trị >=150 tỷ đồng, trong đó có tối thiểu 01 hợp đồng mua bán, cung cấp thiết bị xạ trị đã ký, đã và đang thực hiện, có xác nhận khối lượng thực hiện của bên mua. Các hợp đồng còn lại là hợp đồng cung cấp thiết bị y tế đã hoàn thành.
Thoạt nhìn, thì yêu cầu về hợp đồng tương tự của HSMT mới có vẻ yêu cầu năng lực kinh nghiệm hợp đồng tương tự cao hơn, vì phải đáp ứng trên 2 hợp đồng tương tự.
Nhưng bản chất đây chỉ là sự đánh lừa về câu chữ của tiêu chí xét thầu này mà tư vấn đấu thầu, chủ đầu tư đã “cài” vào HSMT nhằm hạ thấp tiêu chí xét thầu để tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó.
Bởi yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trong HSMT mới không tuân thủ các quy định về hợp đồng tương tự của TT05.
Theo quy định tại TT05 thì hợp đồng tương tự phải đáp ứng 2 tiêu chí cơ bản là tương tự về chủng loại, tính chất, tương tự về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng với hàng hóa đang xét thầu; đồng thời quy mô giá trị hợp đồng tương tự phải bằng hoặc lớn hơn 70% giá gói thầu đang xét. Trường hợp địa phương mà năng lực của nhà thầu còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị hợp đồng tương tự có giá từ 50% - 70% giá trị gói thầu.
Như vậy, với giá gói thầu gần 240 tỷ đồng thì yêu cầu của HSMT cũ, nhà thầu phải có >= 01 hợp đồng cung cấp, mua bán thiết bị xạ trị có giá >=150 tỷ đồng hoàn toàn đúng luật, còn yêu cầu về hợp đồng tương tự trong HSMT mới là sai luật.
Bởi lĩnh vực xạ trị ung thư là lĩnh vực đặc thù, để có kinh nghiệm cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị ung thư đương nhiên nhà thầu phải đã từng cung cấp, lắp đặt hệ thống xạ trị chứ không phải hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế chung chung.
Hơn nữa không thể yêu cầu tổng giá trị 2 hợp đồng tương tự >=150 tỷ đồng, vì yêu cầu như vậy nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về giá trị hợp đồng tương tự vẫn có thể được “ưu ái” xét trúng thầu.
Theo nguồn tin riêng của Pháp luật Plus, thì chỉ có một nhà thầu duy nhất được Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật, trong khi đơn vị này không hề đáng ứng tiêu chí về kinh nghiệm thi công hợp đồng tương tự. Và nếu là nhà thầu duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật thì đương nhiên đây sẽ là đơn vị được đề xuất trúng thầu mà không cần quan tâm đến giá chào thầu là bao nhiêu.
Tại sao chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải 5 lần gia hạn thời gian phát hành hồ sơ với lý do điều chỉnh HSMT để ban hành một HSMT mới (hồ sơ sau điều chỉnh) có nguy cơ trái luật, với quy định không rõ ràng, tạo điều kiện cho nhà thầu không đủ năng lực “lách qua khe cửa hẹp” để sở hữu cơ hội là đơn vị duy nhất trúng thầu?
Theo thông báo ngày 17/4/2017 của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM thì Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D là đơn vị duy nhất đạt yêu cầu về kỹ thuật, nếu kết quả này được thừa nhận thì việc tổ chức đấu thầu không có sự cạnh tranh về giá.Để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng trong hoạt động tổ chức đấu thầu gói thầu trên, dư luận rất mong sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan.
Pháp luật Plus tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT: Trường hợp HSMT quy định hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự không phải là hợp đồng cung cấp hàng hóa có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa gói thầu đang xét (thiết bị xạ trị); không đáp ứng yêu cầu về quy mô (giá trị của hợp đồng tương tự); không phải là hợp đồng hoàn thành phần lớn (ít nhất 80% giá trị hợp đồng) là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Ngoài ra, việc HSMT quy định về giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự thấp hơn so với yêu cầu của gói thầu, nhằm tạo lợi thế cho các nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm tham dự thầu là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. |