Gần đây, dư luận xã hội đặc biệt chú ý và không khỏi băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non sau khi hàng loạt vụ việc bạo hành được phát hiện.
Các cô cũng bị... sang chấn
Ngày 16.3, dư luận xôn xao về vụ clip một bé trai 4 tuổi tại Trường Mầm non tư thục Khai Minh (quận 11, TP HCM) bị hai cô giáo nhéo bầm tai, phạt bê cơm hơn 1 giờ và liên tục đánh vào chân, quăng ra sàn nhà thô bạo.
Và tiếp đó là vụ việc một cháu bé bị tử vong ở một trường mầm non tại quận Hà Đông, trước đó là vụ việc cô giáo đánh trẻ khi bé tè dầm cũng ở Hà Đông, rồi cô giáo cầm vai giật lắc, dúi vào mặt trẻ khi cho cháu ăn ở quận Nam Từ Liêm, hay vụ việc cô giáo cho các cháu tự xử nhau trong lớp ở huyện Chương Mỹ...
Năm 2015, có rất nhiều vụ bạo hành khủng khiếp xảy ra, chỉ riêng trong tháng 10 đã có các vụ: em bé 2 - 3 tuổi tại trường mầm non Xuân Mai (Văn Quan, Lạng Sơn) do quấy khóc bị cô giáo nhốt bên ngoài, bới rác ăn; vụ cô giáo mầm non dùng tay đánh vào mặt, lắc đầu vì… trẻ ăn chậm ở Trường Mầm non tư thục Nụ Cười Xinh (Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội); vụ phụ huynh Đinh Thị Thúy Hằng có con học tại Trường Mầm non Sơn Ca (Đồng Hới, Quảng Bình) bắt quả tang con bị cô giáo trói và nhét giẻ vào miệng.
|
Dư luận ngày càng hoang mang sau những clip bạo hành trẻ nhỏ. |
Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, hiện nay có 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được huy động đến trường/lớp mầm non. Tuy nhiên, số lượng trẻ em đến trường nhiều như vậy nhưng các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu gửi trẻ.
Cho dù đã cố gắng nhưng các trường công lập đã quá tải, nên nguy cơ tiềm ẩn vẫn nằm chủ yếu ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập, kể cả những cơ sở đã được cấp phép.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng TƯ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không phải cứ gây thương tích như đánh đập, bị ngã mới để lại hậu quả mà trẻ bị cưỡng ép bất cứ điều gì cũng gây căng thẳng, sang chấn tâm lý.
Bà Kim Anh cũng dẫn số liệu nghiên cứu của TS Nguyễn Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một điều tra mới đây trên 333 giáo viên cho thấy 90,3% bị stress nghề nghiệp. Khảo sát tại thị xã La Gi (Bình Thuận) kết quả có tới 59,8% giáo viên mầm non bị stress nghề nghiệp.
|
Giáo viên mầm non đối mặt với stress cao hơn những người làm ở ngành nghề khác. |
Độ tuổi từ 40-49 là nhóm có nguy cơ mắc stress trầm trọng nhất. Theo bà Kim Anh, tỷ lệ giáo viên mầm non đối mặt với stress cao hơn những người làm ở ngành nghề khác.
Trong quá trình chăm sóc trẻ, giáo viên gặp nhiều tình huống như: nôn ói, không chịu xúc thức ăn, nói chuyện và ngậm, giả bộ đi vệ sinh... rất dễ gây ức chế cho giáo viên.
Trong trường hợp này, trẻ có quyền được “nghỉ ăn”. Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng hoặc vì áp lực tăng cân, nhiều giáo viên sẽ ép bằng mọi cách để trẻ ăn hết suất.
Khâu quản lý đang bị buông lỏng?
Trên thực tiễn, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mọc lên như nấm. Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong 3 tháng là quá dễ dãi.
Với quy định này, người không qua trường lớp đào tạo cũng có thể làm quản lý, không có trình độ, nghiệp vụ sư phạm cũng có thể chăm sóc và dạy trẻ là không hợp lý. Khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho giáo viên dạy trẻ là nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trình độ của giáo viên, chủ nhóm trường, nhóm trẻ cũng là một vấn đề đáng bàn dẫn tới việc gia tăng các vụ bạo lực.
“Yêu cầu giữ trẻ quá lớn khiến “bùng nổ” các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát khiến việc quản lý của cơ quan chức năng không xuể. Nhiều chủ trường chạy theo lợi nhuận, tuyển cả những người không được đào tạo hay đào tạo không đến nơi đến chốn, thả nổi để giáo viên tùy tiện hành xử với học sinh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - TS Lâm nói.
Và nguy cơ dẫn đến việc thiếu trách nhiệm, bạo hành trẻ mầm non phần nhiều vẫn diễn ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó chủ yếu là cơ sở không phép.
Giáo viên thay đổi liên tục, không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là tình trạng phổ biến ở nhiều nhóm, lớp mầm non.
“Nhiều nơi chủ trường trình bày danh sách giáo viên ảo, không đúng với thực tế” - một ý kiến cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu thì “đã ưu tiên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ miễn phí, ưu tiên dành giáo viên mới ra trường có chất lượng cho các cơ sở mầm non tư thục, nhưng nhiều khi chủ trường đã từ chối ưu ái đó”.
TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) chia sẻ, khi kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, nhiều nơi vẫn đưa ra được chứng chỉ quản lý giáo dục nhưng khi đưa phiếu hỏi điều tra cho họ đọc và điền thì họ bảo… không biết chữ.
Lý do họ đưa ra là đi mua chứng chỉ và thuê người quản lý. Điều đó cho thấy, đằng sau mấy tấm chứng chỉ mầm non có rất nhiều vấn đề.
Nếu cứ để những cơ sở mầm non hoạt động dưới sự điều hành của những con người như thế thì việc trẻ em bị bạo hành lúc nào cũng sẽ là nguy cơ” - TS Trinh nhấn mạnh.