Những nội dung chính: Trung Quốc tập trận rầm rộ gần biên giới Ấn Độ; Cháy chợ cá lớn nhất thế giới ở Nhật Bản...
1. Trung Quốc tập trận rầm rộ gần biên giới Ấn Độ
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 4/8 công bố đoạn video ghi lại cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra ở Tây Tạng, gần khu vực biên giới đang xảy ra căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Theo CCTV, cuộc diễn tập được tổ chức vài ngày trước.
Cuộc tập trận diễn ra tại độ cao 4.600m. CCTV không đưa ra địa điểm cụ thể của cuộc diễn tập, song dường như đó là vị trí nằm ở dãy Himalayas, nơi giao giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Theo CCTV, lực lượng pháo binh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là đơn vị tổ chức cuộc diễn tập. Trong khuôn khổ tập trận, các binh sỹ Trung Quốc đã thực hiện tấn công nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm xe tăng, bệ phóng tên lửa với đại bác lòng ngắn và pháo hỏa tiễn.
Đoạn video có cảnh tư lệnh đếm ngược và chỉ huy tấn công. Sau đó một tên lửa bắn thẳng lên trời. Trước đó vào ngày 1/8, Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc, đơn vị trực thuộc CCTV, cũng đã đăng tải đoạn video ghi lại một cuộc tập trận với máy bay không người lái của Trung Quốc.
Các động thái dồn dập của Trung Quốc được dự đoán nhằm gia tăng áp lực cho Ấn Độ với thông điệp rằng “sự kiềm chế của Bắc Kinh có giới hạn”, giữa lúc mâu thuẫn giữa 2 nước bắt đầu từ hồi tháng 6 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước đó, theo Tân Hoa Xã, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều thể hiện quan điểm cứng rắn rằng sẽ không có một cuộc thương lượng nào giữa 2 bên. Giải pháp duy nhất để giải quyết căng thẳng là Ấn Độ phải rút quân ngay lập tức và không điều kiện ra khỏi khu vực.
2. Hơn 750 nhà ngoại giao Mỹ sẽ bị trục xuất khỏi Nga
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 30/7, Tổng thống Putin nói: “Phía Mỹ đã có động thái mà chính họ gây ra khiến quan hệ Nga-Mỹ ngày càng xấu đi. Những hành động đó bao gồm lệnh hạn chế bất hợp pháp, tìm cách gây ảnh hưởng với các quốc gia khác, trong đó có đồng minh của chúng tôi, những nước mong muốn duy trì và phát triển quan hệ với Nga”.
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết thêm: “Chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu rằng điều gì đó sẽ tiến triển theo hướng tốt hơn, chúng tôi hy vọng tình hình sẽ thay đổi. Những dường như sẽ không có gì thay đổi trong tương lai gần… Tôi quyết định giờ là lúc chúng tôi không thể cứ làm ngơ mọi thứ”.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, Mỹ sẽ phải cắt giảm 755 nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật ở Nga trước ngày 1/9.
Được biết, hiện phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Nga gồm khoảng 1.200 người, việc cắt giảm 755 nhân viên nhằm đưa phái đoàn ngoại giao Mỹ về 455 người, bằng số lượng nhà ngoại giao Nga ở Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nghị viện Mỹ thông qua dự thảo lệnh trừng phạt mới Nga.
Tổng thống Donald Trump ngày 2/8 đã ký luật trừng phạt mới với Nga, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.
Trước đó, Moscow cũng từng tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn “món nợ” từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trục xuất 35 nhà ngoại giao và thu giữ 2 khu nhà ngoại giao của Nga.
Mặc dù đưa ra “tối hậu thư” cho phía Mỹ, song Tổng thống Putin cũng khẳng định vẫn còn nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Moscow và Washington như chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí hạt nhân, phát triển các dự án hàng không vũ trụ.
3. Mỹ thông báo rút khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu
BBC dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán ngay cả trong quá trình rút khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu dự kiến kéo dài ít nhất 3 năm.
"Như Tổng thống (Donald Trump) thông báo hôm 1/6 và sau đó, ngài vẫn để ngỏ cơ hội tái gia nhập Hiệp ước Paris nếu Mỹ nhận thấy các điều khoản có lợi hơn cho mình, cho các doanh nghiệp, người lao động, người đóng thuế của mình”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Hồi tháng 6, Tổng thống Trump gây “sốc” với tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris vì cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, giết chết việc làm ở Mỹ, cản trở ngành sản xuất và khai thác dầu, khí đốt và than đá. Tuy nhiên, thời điểm đó ông cũng nhấn mạnh vẫn để ngỏ khả năng tái đàm phán.
Hiệp ước Paris là hiệp ước có sự đồng thuận của gần 200 quốc gia trên thế giới nhằm đưa ra cam kết cắt giảm khí thải để ngăn biến đổi khí hậu. Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm 28% lượng phát thải so với năm 2005.
Nếu thực sự muốn rút khỏi Hiệp ước, thời gian sớm nhất để Mỹ hoàn tất quá trình này là ngày 4/11/2020, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo.