Khánh Ly nói mỗi lần gặp nhạc sĩ họ Trịnh đều hạnh phúc và nhiều tình cảm, trong đó có ba lần đáng nhớ nhất với bà.
Khánh Ly có mặt ở Hà Nội sáng 29/3 trong buổi gặp báo chí trước show diễn Đường xa vạn dặm kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn. Bà chia sẻ mọi năm đến ngày giỗ nhạc sĩ, bà thường không làm gì mà chỉ nhớ trong lòng và cùng lắm là nhắc chồng về ngày đó. Năm nay, Khánh Ly cùng Hồng Nhung, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Quang Dũng, ca sĩ nhí Huyền Trân sẽ đại diện các thế hệ hát nhạc Trịnh đứng chung sân khấu tưởng nhớ cố nhạc sĩ.
Danh ca ôn lại nhiều kỷ niệm. Hỏi bà về những lần hội ngộ không thể quên trong đời với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly cho biết lần gặp định mệnh là hồi 1964 trên Đà Lạt, lần thứ hai là ở Pháp năm 1988 và lần thứ ba là năm 2000 - trước khi Trịnh Công Sơn mất.
"Mỗi một buổi như vậy trong lòng tôi đều bồi hồi, nhớ mãi. Dĩ nhiên, những buổi gặp không giống nhau nhưng đều quan trọng cả. Nó đánh dấu mỗi một chặng đường mình đi qua, làm cho mình nhớ lại nhiều điều trong suốt thời gian đã sống. Đối với tôi, kỷ niệm nào cũng đáng quý, cứ được gặp Trịnh Công Sơn là vui".
|
Khánh Ly trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 29/3. Nữ danh ca sẽ tham gia đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vào 2/4 (Ảnh: Kiều Thuận). |
Năm 1964, định mệnh đưa Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn để rồi nối dài mối duyên âm nhạc đã đi vào lịch sử. Trong cuốn sách Đằng sau nụ cười, bà viết: "Cứ tưởng đời sẽ mãi lêu bêu cho tới ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh. Người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Đà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là Huế 'chay'. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé Lọ Lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác".
Vài năm sau đó, Khánh Ly theo Trịnh Công Sơn lên Sài Gòn đi hát - từ đây "nữ hoàng chân đất" cất cánh và cả hai trở thành hình bóng trong âm nhạc. Năm 1975, Khánh Ly sang Mỹ định cư. Cuộc gặp đặc biệt thứ hai là năm 1988 tại Pháp. Đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên họ tái ngộ kể từ khi Khánh Ly sang Mỹ, chứ không phải lần gặp ở Canada vào năm 1997 như nhiều người hay nhắc đến.
Khánh Ly kể bà không nghĩ gặp được nhau, bà đến Paris đi hát theo tour, Trịnh Công Sơn tình cờ cũng ở đó. Vì nhiều lý do, họ không dễ dàng gặp mặt. Thế nhưng, qua điện thoại, Trịnh Công Sơn khóc nói với Khánh Ly: "Anh đi nửa vòng trái đất mà chẳng lẽ anh em mình không gặp được nhau, mà nếu bây giờ không gặp thì bao giờ mới gặp". Nghe thế, Khánh Ly "thây kệ, mặc ai muốn nói gì thì nói" để đi gặp nhạc sĩ. Danh ca kể lúc đó có cả nữ giáo sư người Nhật Michiko và vài người bạn của họ. "Ông uống rượu, tôi uống nước, nói chuyện bình thường vậy thôi".
Cuộc gặp gỡ đặc biệt thứ ba là năm 2000 - lần cuối cùng Khánh Ly được gặp Trịnh Công Sơn. Danh ca nói cô xin giữ cuộc gặp đó cho riêng mình, chưa thể kể. Ngày 1/4 một năm sau đó, Trịnh Công Sơn qua đời. Trong lần gặp gỡ cuối cùng, bà đã tiên đoán ngày Trịnh Công Sơn đi cũng không còn bao xa. Ngày được báo tin nhạc sĩ qua đời, nữ danh ca bị chấn động lớn nhưng bà sớm lấy lại tinh thần. Là người Công giáo, cũng như nhà Phật, bà tin ai trong đời sống này rồi cũng phải đi, không ai có thể sống đời được. Nếu tin vào giáo lý sẽ thấy lòng nhẹ. Khi biết mỗi người sinh ra đều có sẵn trong số mệnh một cõi đi về thì đi hay ở đều là lẽ vô thường của đời sống.
"Lòng mình đau thì mình biết thôi, vì từ nay mình không còn được nắm tay, ngồi cạnh người đó. Nhưng tôi biết nhiều năm sau này, tôi nhìn Trịnh Công Sơn vẫn trẻ như thế, như lúc ông ấy đi, mới chỉ có sáu mấy tuổi thôi chứ không phải một ông già hom hem", bà nói.
|
TTrịnh Công Sơn mãi mãi tuổi 62 trong ký ức Khánh Ly. |
Khánh Ly bày tỏ muốn giữ những hình ảnh đẹp nhất của người mình yêu thương khi còn sống. Quan niệm "những gì mắt ta không nhìn thấy lòng ta không có đau", bà cố gắng để không nhìn cảnh người thân lúc qua đời. "Tôi không nhìn thấy ông Trịnh Công Sơn nằm trong áo quan. Tôi cũng không chịu nhìn nhà tôi khi người ta kéo khóa túi đựng xác ông ấy". Khi chồng trút hơi thở cuối cùng, Khánh Ly đã quay mặt đi ngay, để giữ lại hình ảnh đẹp nhất của ông khi còn sống. Bà cũng bảo nếu thấy Trịnh Công Sơn nằm trong áo quan, hay nhìn chồng mình bị đưa vào nhà thiêu, có lẽ bà không sống nổi.
Nữ danh ca coi trọng lúc sống hơn lúc chết. Bà tiếc khi lần này về không được gặp nhạc sĩ Thanh Tùng. "Nhưng chảy nước mắt có giả dối quá không, tại sao đợi người ta chết mới khóc lóc. Lúc người ta sống, cho người ta một chút lòng. Mình làm được cái gì cho nhau thì làm đi, đừng có để cho cuộc đời lúc nào cũng ân hận, hối tiếc, tại sao, lẽ ra, không nên".
Cũng bởi thế mà lần trở về này, Khánh Ly mong muốn tìm đến những nhạc sĩ một thời gắn bó để thăm họ trước khi quá muộn. "Mọi điều sẽ đi qua đời sống này, nhưng những bài hát thì còn ở lại, mình phải mang ơn những người đó. Nếu không có nhạc sĩ thì ca sĩ làm sao có bài mà hát, làm sao có nữ hoàng, pa", danh ca khẳng định.