Những thông tin chính: Năm 2018, ngành thép có nhiều "cửa sáng", Giá đất nền nhiều khu vực ở Hà Nội tăng 10%,...
TP HCM: Tiếp tục ứng 1.000 tỷ đồng cho tuyến metro số 1
Trong khi chờ đợi nguồn vốn ODA được cấp từ Trung ương, TP HCM sẽ tiếp tục ứng khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1.
Theo đó, dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào kế hoạch phân bổ vốn ODA trong đợt đầu năm nay bởi dự án phải chờ được Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 5.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục ứng trước vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho nhà thầu nhằm không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Giá đất nền nhiều khu vực ở Hà Nội tăng 10%
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố Báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam 2017, trong đó đưa ra nhiều nhận định khá khả quan về thị trường bất động sản Hà Nội trong năm qua.
Theo Hội này, năm 2017 Hà Nội có 54 dự án bất động sản chào bán sản phẩm, cung cấp cho thị trường 34.217 căn hộ, 950 căn biệt thự và 999 căn nhà phố. Đại đa số sản phẩm nhà ở chào bán trong năm là căn hộ chung cư. Điều này nâng tỷ trọng nhà chung cư trong tổng nguồn cung mới nhà ở tại Hà Nội lên đến trên 90% tổng số nhà ở mới.
Theo đánh giá, nhìn chung từ đầu năm 2017, lượng giao dịch chung cư ở Hà Nội tăng từ 3.624 giao dịch vào quý I lên 5.417 giao dịch vào quý II, 4.955 giao dịch vào quý III và tăng tương đối mạnh lên 6.780 giao dịch vào quý cuối năm 2017.
Thanh Hóa quy hoạch, phát triển 13 cụm công nghiệp khu vực ven biển
Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến thủy, hải sản, tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch 13 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 449,8 ha tại các địa phương ven biển, như: TP Sầm Sơn, các huyện: Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn.
Theo thống kê, các CCN ven biển đã thu hút được 56 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với diện tích 105,56 ha. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp đạt gần 140 tỷ đồng; giá trị sản xuất, kinh doanh hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Hà Nội xin cơ chế riêng để cải tạo chung cư cũ
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế để thực hiện cải tạo từng khu tập thể riêng lẻ.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp. Việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư đã được đặt ra từ lâu. Nhưng trong 10 năm nay, thành phố Hà Nội chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ.
Quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể. Hầu hết những người dân sống trong những khu tập thể cũ nát, ẩm thấp này mong muốn được cải tạo lại và tái định cư tại chỗ.
Năm 2018, ngành thép có nhiều "cửa sáng"
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, mặt hàng thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu là 5 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á.
|
Nhiều dự án bất động sản được khởi công trong năm 2018 là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp thép |
Mặc dù mới hoạt động 50-60% công suất, song theo VSA, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đã vượt xa cầu. Bên cạnh đó, nếu so sánh giá với sản phẩm đến từ Trung Quốc thì giá thép của Việt Nam vẫn cao hơn, nên ngành thép trong nước đang đối mặt với không ít khó khăn.
Song với bối cảnh kinh tế vĩ mô 2018 lạc quan, thị trường bất động sản và xây dựng được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.