Đơn ông Trần Văn Được phản ánh, ông Nguyễn Văn Quá, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang) thay vì nhận “Đơn khiếu nại” lại yêu cầu dân làm “Đơn khiếu kiện” mới nhận. Vụ việc liên quan đến một hộ dân kêu cứu, đòi quyền lợi vì nguy cơ bị mất trắng đất nhiều năm qua.
Đất 3 đời canh tác nguy cơ mất trắng
Ông Trần Văn Được, SN 1951, ngụ tổ 9, khóm An Định B, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang gửi đơn phản ánh đến các cơ quan báo chí trình bày: Ông có phần đất nông nghiệp diện tích khoảng 1 ha, tọa lạc cặp kênh Xã Võng và kênh T6, thuộc khóm An Định B, thị trấn Ba Chúc.
Phần đất này do ông nội ông là ông Trần Văn Phan canh tác trước 1975, sau này để lại cho ba ông, rồi ba ông cho ông sử dụng. Đến năm 2011, sau nhiều lần địa phương tiến hành nạo vét và mở rộng kênh thủy lợi, đất ông Được bị lấp thành bờ kênh Xã Võng nhưng không được chính quyền địa phương hỗ trợ đền bù.
Theo Công văn số 01/CV-UBND (CV 01) ngày 03/1/2017 của UBND thị trấn Ba Chúc trả lời khiếu kiện của ông Được về một số vấn đề chung chung, mà không hề đề cập trong quá trình nạo vét, mở rộng kênh có lấp đất ruộng của ông Được, diện tích bao nhiêu?
|
Ông Được bên giàn mướp do em ông trồng trên mé đê kênh Xã Võng được cho là đất của ông. |
CV 01 cũng nêu: “Năm 1993 khi Luật Đất đai được ban hành quy định việc cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Lúc bấy giờ gia đình ông Trần Văn Được không được nhà nước xem xét cấp quyền sử dụng đất xác định phần đất của gia đình ông”.
Nội dung công văn trên cũng không cho biết lý do ông Được không được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được “xác định phần đất của gia đình ông”. Sau đó, UBND thị trấn Ba Chúc cho rằng, khiếu kiện của ông Được không có căn cứ giải quyết và trả lại đơn của ông vì: “Bởi lẽ phần đất bờ đê và lòng kinh Xã Võng là thuộc sở hữu nhà nước”.
Ông Được cho biết, vào năm 2004, khi đào kênh T6 (giao kênh Xã Võng) có đi ngang đầu phần đất khiếu nại của ông và chính quyền địa phương lúc này đã hỗ trợ đền bù phần đất này. Theo một số hộ dân tại địa phương cho biết, cùng thời điểm trên, nhiều hộ dân cũng được đền bù như ông Được.
|
Phòng tiếp dân đã nhận đơn khiếu nại của ông Được nhưng đến nay vụ việc chưa giải quyết. |
Không chỉ vậy, năm 2011, khi địa phương cho nạo vét lại kênh Xã Võng, lúc bấy giờ trên bờ kênh cũ (cũng là một phần đất của ông Được trước đây khi nạo vét kênh đã đổ đất tràn xuống ruộng mà tạo thành) ông Được đã trồng 1.900 cây bạch đàn 3 năm tuổi, 3 cây 25 năm tuổi, 6 cây còng, 1 bụi tre…
Khi nạo vét, ông Được đã được chính quyền địa phương yêu cầu đốn hạ số cây trên. Tuy nhiên, phần đất còn lại khoảng 6,5 công sau đó tiếp tục bị lấp thành bờ đê như hiện nay và cũng không được hỗ trợ đền bù.
Ông Được trình bày: “Công văn 01 trên của UBND TT Ba Chúc đã giải quyết không khách quan và trái với quy định của Pháp luật bởi những lẽ: Phần đất của tôi có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, bảng Trích lục địa bộ cấp ngày 08/4/1963 cấp cho ông tôi Trần Văn Phan. Sau đó từ đời cha đến tôi canh tác ổn định, lâu dài, không tranh chấp với ai.
Tôi đã liên tục trồng lúa, hoa màu, bạch đàn trên đất đó, được nhiều nhân chứng sống tại địa phương xác nhận. Nếu không phải đất tôi thì làm sao tôi có thể trồng bạch đàn được?
Bên cạnh đó, trước đây, khi đào kênh T6 đã đi qua một phần đất và tôi đã được bồi thường. Như vậy, chứng tỏ đất tôi sử dụng hoàn toàn hợp pháp và phải được bồi thường theo quy định của Pháp luật”.
Không hiểu luật hay cố tình hành dân?
Một điều rất lạ ở đây, như ông Được trình bày: “Trước đây, khi tôi nhiều lần đến UBND thị trấn Ba Chúc để hỏi vì sao không giải quyết khiếu nại của tôi thì cán bộ nơi đây một mặt khẳng định đất đó không phải của tôi, có khi lại nói tôi nhận tiền đền bù rồi… Khi đó, tôi hỏi nhận tiền hồi nào, biên lai, chữ ký tôi đâu thì không được cán bộ chứng minh mà xua đuổi tôi về…”.
Ông Được cho biết, ngày 25/11/2016, khi ông đến UBND thị trấn Ba Chúc để tiếp tục nộp đơn khiếu nại thì ông Nguyễn Văn Quá, Phó Chủ tịch UBND thị trấn “bắt lỗi” ông làm đơn không đúng ở chỗ ghi “Đơn khiếu nại”, trong khi theo ông Quá yêu cầu phải ghi “Đơn khiếu kiện” thì mới nhận. Ông Được nói:“Ông Quá nói, UBND thị trấn chỉ nhận “Đơn khiếu kiện” chứ không nhận “Đơn khiếu nại” và trả đơn, yêu cầu tôi về làm lại”.
|
Bản trích lục địa bộ của ông Trần Văn Phan - ông nội ông Được. |
Không đồng ý với nội dung CV 01 của UBND TT Ba Chúc, ông Được tiếp tục khiếu nại đến UBND huyện Tri Tôn.
Để làm rõ vấn đề, ngày 13/4/2017, phóng viên đến UBND huyện Tri Tôn đề nghị gặp Chủ tịch UBND huyện nhưng ông Phan Thanh Lương, Chánh Văn phòng UBND huyện này cho biết Chủ tịch bận đi họp.
Sau đó, ông Lương gọi ông Trịnh Văn Thẳng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng Ban tiếp công dân UBND huyện cho biết, đã nhận được đơn khiếu nại và ông đã tiếp xúc làm việc với ông Được cách đây khoảng một tháng, UBND huyện đang xem xét giải quyết. Về việc ông Quá chỉ nhận đơn khiếu kiện, ông Thẳng nói: “Chỉ cần tường trình cũng thụ lý giải quyết luôn chứ không cần đơn khiếu kiện khiếu nại…”.
|
Theo luật sư Trần Minh Hùng: "Gia đình ông đã sử dụng từ trước năm 1975 - tức có từ trước năm 1993 nên theo quy định của Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2004 và Luật đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất thì gia đình ông Được đều phải được bồi thường về đất và tài sản, hoa màu… hỗ trợ theo quy định". |
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP HCM: “Theo như ông Được trình bày thì đất gia đình ông đã sử dụng từ trước năm 1975 - tức có từ trước năm 1993 nên theo quy định của Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2004 và Luật đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất thì gia đình ông Được đều phải được bồi thường về đất và tài sản, hoa màu… hỗ trợ theo quy định".
Không có căn cứ pháp lý? "Việc ông Được làm đơn khiếu nại như vậy đã đúng theo Luật khiếu nại, UBND TT Ba Chúc buộc ông làm đơn khiếu kiện là không có căn cứ pháp lý. Thẩm quyền trả lời đơn khiếu nại trong trường hợp này thuộc về UBND huyện Tri Tôn. Việc giải quyết, đùn đẩy như vậy chẳng khác nào “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. Nếu UBND TT Ba Chúc cho rằng cơ quan này có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bồi thường đất đai thì phải trả lời bằng Quyết định hành chính, không thể trả lời bởi 1 công văn không bảo đảm về mặt hình thức và nội dung là chưa đúng quy định Pháp luật khiếu nại”, luật sư Trần Minh Hùng phân tích. |
Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên tiếp tục làm việc với các ban ngành chức năng thị trấn Ba Chúc và huyện Tri Tôn. Vì sao vụ việc đã rõ trắng đen nhưng đến nay việc giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân vẫn không được giải quyết?
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc.