Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng tuyến tàu điện ngầm hoặc đường sắt nối 2 sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
 |
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu xây dựng ngay tuyến tàu điện ngầm hoặc đuờng sắt từ Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất. |
Trong đó có nhiệm vụ quan trọng về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu xây dựng ngay tuyến tàu điện ngầm hoặc đuờng sắt từ Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; các dự án quan trọng, động lực như: đường Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, các cảng khu vực...
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.
Giao Bộ Giao thông vận tải rà soát
Về nội dung này, trước Tết nguyên đán, trong đợt kiểm tra thực tế Sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo liên quan đến việc làm đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng tuyến tàu điện ngầm. Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rà soát, nghiên cứu phương án giao thông metro, tàu điện ngầm hoặc đường sắt tốc độ cao để kết nối các sân bay Long Thành, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để kết nối hai sân bay này.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án sân bay Long Thành hồi trước Tết nguyên đán. |
Còn theo báo cáo cuối kỳ về Lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt đầu mối TP.HCM của liên danh tư vấn (Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT) trình Bộ GTVT, có đề xuất phương án kết nối các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng đường sắt.
Theo đó, Quy hoạch mạng đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1769), kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị (tuyến metro 4b kéo dài và tuyến số 2).
Việc kết nối giữa các nhà ga (T1, T2, T3) Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Long Thành cũng như liên kết với hệ thống giao thông bên ngoài, với hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cần được nghiên cứu và xem xét phù hợp, thuận tiện cho hành khách trong quá trình di chuyển, báo cáo cuối kỳ nêu rõ.
Trong báo cáo cuối kỳ, Liên danh tư vấn nghiên cứu hướng tuyến bắt đầu từ ga Bà Quẹo (tuyến metro số 2) kết nối với nhà ga T3, T1 và T2 của sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tuyến đi theo đường Bạch Đằng, đến công Viên Gia Định, tuyến đi theo trục đường Phạm Văn Đồng. Đến ga Bình Triệu, qua ga Bình Triệu tuyến rẽ phải và đi theo hành lang đường Vành Đai 2, đến khu vực nút giao Phú Hữu.
Tại đây tuyến kết nối/trung chuyển với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đi Cảng HKQT Long Thành. Chiều dài dự kiến khoảng 22km. Hướng tuyến kết nối nhà ga T3, T2 và T1 của CHKQT Tân Sơn Nhất, trong đó có đoạn dự kiến đi ngầm qua khu vực kỹ thuật của sân bay.
Hai sân bay tạo thành cụm cảng hàng không hiện đại
Theo quy hoạch, Sân bay Long Thành là sân bay cấp 4F, có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
 |
Dự án sân bay Long Thành đang trong quá trình thi công. |
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành là hai cảng hàng không tạo thành một cụm cảng hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông.
Với vị thế là những sân bay lớn nhất cả nước, việc kết nối giao thông giữa 2 sân bay này sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, hiện nay, việc kết nối giữa 2 sân bay chỉ bằng các tuyến đường bộ và các tuyến giao thông này còn hạn chế, nhiều đoạn tuyến đã mãn tải. Đặc biệt tình trạng ùn, tắc đã xảy ra thường xuyên trên các tuyến quốc lộ 51, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
“Với quy mô, tầm quan trọng và nhu cầu giao thông của 2 sân bay, việc nghiên cứu phương án tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đóng vai trò quan trọng và là một phần của nhiệm vụ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Sân bay Long Thành với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”- báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đánh giá.
Đề xuất 5 phương án kết nối
Trong báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đã trình bày 5 phương án kết nối tổng thể đang được nghiên cứu. Trong đó có 2 phương án kết nối bằng đường bộ và 3 phương án kết nối bằng đường sắt.
Cụ thể, đối với đường bộ, phương án 1 được nghiên cứu là kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Sân bay Long Thành thông qua đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Cát Lái để kết nối với 2 tuyến giao thông (T1, T2) vào Sân bay Long Thành. Với 3 hướng này, chiều dài tuyến từ 48-62km.
Với phương án 2, kết nối đường bộ giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này cũng có 3 hướng kết nối với chiều dài tuyến từ 43-53km.
Với đường sắt, 3 phương án được nghiên cứu gồm có: phường án 1, kết nối bằng đường sắt qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành với hướng tuyến từ nút giao Cộng Hòa - nhà ga T3 - nhà ga T1, T2 - Hồng Hà - Phạm Văn Đồng - đường sắt quốc gia - đường vành đai 2 - Võ Chí Công kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 45km).
Phương án 2, kết nối bằng đường sắt theo tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 43km).
Trong khi đó, phương án 3 sẽ kết nối bằng đường sắt theo hướng tuyến đường sắt đô thị số 4 từ nhà ga T1, T2 Sân bay Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Bến Thành kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 42km).